THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:10

Đề xuất mới về chức năng, nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH

 

Theo dự thảo, Bộ LĐ -TB&XH  là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: giáo dục nghề nghiệp (các trường sư phạm thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo); việc làm; quan hệ lao động, tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; giảm nghèo, bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Mùi, ở xã Tân Thái (huyện Đại Từ, Thái Nguyên)

Bộ LĐ -TB&XH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP  của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (các trường sư phạm thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo): Quy định cụ thể điều kiện, yêu cầu, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ thủ tục đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; quy chế tuyển sinh đào tạo; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp. Quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo.

Lĩnh vực đào tạo nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý.ảnh: TL

Với lĩnh vực việc làm, Bộ LĐ -TB&XH hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc làm; tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; xây dựng mạng thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động; hướng dẫn xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quy định việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; hướng dẫn quản lý, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm.

Lao động ngành dệt may.ảnh: IE

Đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ có nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát triển thị trường lao động ngoài nước; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Bộ LĐ -TB&XH về lĩnh vực bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội; bình đẳng giới; quan hệ lao động, tiền lương…

Theo dự thảo, các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Thi đua – Tuyên truyền; Thanh tra; Văn phòng Bộ; Cục Việc làm; Cục Quản lý Lao động ngoài nước; Cục Người có công; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Cục Trẻ em; Cục An toàn, vệ sinh lao động; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp....

Các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Trung tâm Thông tin; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Tạp chí Lao động và Xã hội; Tạp chí Gia đình và Trẻ em; Báo Lao động và Xã hội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác hiện có thuộc Bộ.

Ngọc Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh