Đề xuất làm tuyến tàu điện một ray 'cứu' kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất
- Tây Y
- 13:58 - 21/10/2017
Ngày 20/10, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đưa ra đề xuất với Sở GTVT TP.HCM xây dựng tuyến tàu điện trên cao một ray (monorail) ra vào sân bay Tân Sơn Nhất để giải bài toán kẹt xe ở khu vực này.
Đơn vị này cho biết việc sử dụng hệ thống vận chuyển hành khách dành riêng đón trả khách ra vào sân bay bằng tàu điện một ray sẽ giảm lượng lớn xung đột hành khách vào sân bay và người dân "mượn" đường Trường Sơn đi ngang. Hệ thống tàu điện đường sắt một ray (monorail) 2 chiều với kết cấu dầm, trụ bằng thép, móng cọc bằng hệ thống cọc vít (cọc ống thép có lưỡi xoắn ở mũi).
Tân Sơn Nhất kẹt cứng mỗi dịp cao điểm lễ, tết và các ngày có sự cố giao thông. Ảnh: Lê Quân.
Tuyến monorail có điểm xuất phát từ depot trung tâm nằm ở bên hông công viên Gia Định hiện hữu, tiếp giáp với đường Bạch Đằng. Sau đó tuyến đi đến cửa sân bay Tân Sơn Nhất, ra đường Trường Sơn, tiếp cận ga đón - trả khách ở Công viên Hoàng Văn Thụ.
Tuyến sẽ đi tiếp rồi rẽ trái sang đường Hoàng Văn Thụ đến ngã tư Phú Nhuận. Tuyến tiếp tục rẽ trái vào đường Nguyễn Kiệm để đi về hướng ngã 7 Phạm Văn Đồng và khép kín tại ga gần depot Gia Định.
Tuyến tàu điện này sẽ đặt 1 trạm trung chuyển chính tại công viên Hoàng Văn Thụ và 1 trạm tại công viên Gia Định, bố trí bãi đỗ xe (ngầm, công suất dự kiến 2.000 ôtô) và các công trình phụ khác phục vụ cho các xe ra vào, dừng đón trả khách.
Chiều dài toàn tuyến monorail khoảng 6,3 km hoàn toàn đi trên cao nên chiếm diện tích mặt đất rất nhỏ, thời gian xây dựng khoảng 18 tháng với tổng mức đầu tư khoảng 4.725 tỷ đồng.
Tuyến tàu điện monorail dự kiến chuyên chở vào ra sân bay sẽ là 121.500 người/ngày và tần suất hoạt động là cứ 4 phút có một chuyến.
Trước đó, Công ty cổ phần Bilco vừa đề xuất ý tưởng xây hệ thống cáp treo từ hai công viên Hoàng Văn Thụ và Gia Định vào Sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm giải bài toán kẹt xe ở khu vực này.
Kinh phí để làm tuyến cáp treo từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 500 tỷ đồng. Dự kiến các trụ tháp được xây dựng ở dải phân cách đường Trường Sơn, thiết kế mỹ thuật, không chiếm không gian đô thị.
Tuyến cáp treo này có công suất đạt 3.000 lượt người mỗi giờ. Nếu áp dụng công nghệ mới có thể chở 4.000 đến 4.500 lượt khách. Vận tốc cabin khoảng 25 km/h, an toàn cao.
Tuy nhiên đề xuất này bị vấp phải phản ứng của hàng loạt chuyên gia giao thông nên nhà đầu tư tạm dừng nghiên cứu.