THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

Đề xuất bổ sung hình phạt với các đối tượng xâm hại trẻ em

 

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự, do Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc vừa tổ chức tại Hà Nội.

Xét xử vụ án xâm hại tình dục phải đảm bảo nhanh chóng, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích của người bị hại.

 

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định 5 tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, gồm: Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), tội cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), tội giao cấu với trẻ em (Điều 115), tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116) và tội mua dâm đối với người chưa thành niên (Điều 256). Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung tôi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Thực tiễn xét xử trong thời gian qua cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng dã kịp thời phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố,xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em, qua đó từng bước ngăn chặn loại tội phạm này. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với loại tội phạm này là rất nghiêm khắc. Tổng số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017), tòa án đã thụ lý 8.254 vụ án/8.892 bị cáo; trong đó đã xét xử 7.586 vụ án/8.113 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát là 549 vụ án/612 bị cáo. So với tổng số vụ án đã thụ lý, tỷ lệ trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát chiếm 6,65% số vụ án và 6,88% số bị cáo.

Cũng theo đánh giá của Tòa án Nhân dân tối cao, trong 4 năm (từ năm 2014 đến năm 2017), số vụ án và số bị cáo bị xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, tình hình các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng lên về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Các hành vi hiếp dâm, giao cấu và dâm ô trẻ em còn xảy ra nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, trong đó nhiều vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2018 đã có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ em.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử các vụ án xâm hại tình dục, vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định chứng minh tội phạm do thiếu dấu vết, chứng cứ.

Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục, nhiều trẻ em bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên không thể trình báo hoặc khai báo không thống nhất với cơ quan chức năng….

Do đó, để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều luật của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em. Về một số tình tiết định tội, bản dự thảo quy định thế nào là dâm ô theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, dâm ô là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người bị hại là người dưới 16 tuổi: Sờ, vuốt, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác. Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi. Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm và các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp.

Việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội được thực hiện theo quy định tại Điều 50 và các quy định khác của Bộ luật Hình sự, song phải đảm bảo nghiêm khắc. Ngoài ra, để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và tái phạm tội khi xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, cùng với việc phạt hành chính, tòa án phải áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với người phạm tội. Việc xét xử vụ án xâm hại tình dục phải đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích của người bị hại.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh