Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường
- Tây Y
- 22:11 - 26/06/2018
Tại hội thảo mới đây liên quan đến việc kiểm soát đồ uống có đường do Bộ Y tế tổ chức, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, hiện trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 gr đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50 gr/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25 g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồ uống có đường có thể mang lại cảm giác sảng khoái, ngon miệng, ăn được nhiều hơn đồ chiên, nướng. Tuy nhiên, có nhiều báo cáo cho thấy sử dụng đồ uống có đường sẽ thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương... những biến chứng nặng nề là các bệnh về tim mạch - nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33% trên tổng số 73% nguyên nhân tử vong hàng năm.
Để hạn chế những hệ lụy cho sức khỏe người dân, WHO khuyến cáo, một chế độ ăn uống trung bình hàng ngày hiện nay có chứa 2.000 kcal, 10% tổng lượng kcal tương đương với 50 gr đường tự do hoặc 12,5 muỗng cafe đường, cần giảm lượng tiêu thụ đường này xuống dưới 5% tổng kcal tiêu thụ mỗi ngày (25 gr) và tăng cường sử dụng rau củ, hoa quả.
Các chuyên gia của WHO cũng đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để hạn chế mức tiêu thụ tăng nhanh như hiện nay, đồng thời hạn chế quảng cáo đồ uống có đường.
Cụ thể, TS. Guillermo Paraje, chuyên gia tư vấn ngắn hạn của WHO cho rằng, hiện nay tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường, hiện sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%.
Do vậy, TS. Guillermo Paraje đưa ra 4 phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường. Phương án 1 là áp thuế 3.500 đồng/lít đồ uống có đường. Theo đó, giá sẽ tăng từ 14% (nước quả) tới 23% (trà và cà phê uống sẵn). Khi có thuế, tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm khoảng 864 triệu lít, số thuế thu được sẽ khoảng 12.090 tỷ đồng.
Phương án 2, áp thuế 35 đồng mỗi gam đường trong 100ml. Khi đó giá sẽ tăng từ 10 (nước quả và nước thể thao) tới 25% (nước uống tăng lực), sức tiêu thụ dự kiến sẽ giảm khoảng 880 triệu lít, thuế thu được khoảng 12.4000 tỷ đồng.
Phương án 3 là áp thuế 40% giá xuất xưởng, khi đó, giả sử giá xuất xưởng bằng 50% giá bán lẻ, giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 20%, tiêu thụ sẽ giảm 863 triệu lít, thuế thu được là 12.400 tỷ đồng.
Phương án 4 là áp thuế 10% giá xuất xưởng, giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%, tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít, thuế thu được khoảng 3.690 tỷ.
Ly giải đề xuất này, theo TS. Guillermo Paraje, với phương án thứ nhất làm giảm tác động số lượng lớn đồ uống có đường, tạo động cơ bỏ tiêu dùng, giảm tiêu dùng, hoặc đồ uống có đường chứa trong bao bì nhỏ hơn. Phương án thứ 2 nhằm tác động trực tiếp làm giảm hàm lượng đường trong đồ uống, từ đó tạo động cơ từ bỏ tiêu dùng, giảm hoặc thay thế đồ uống có hàm lượng đường cao bằng đồ uống có hàm lượng đường thấp hoặc không chứa hàm lượng đường.
Hai phương án còn lại nhằm tác động tới việc giảm tiêu dùng đồ uống có đường nói chung nhưng phần lớn là các loại đồ uống có giá cao.
Theo báo cáo của Tổ chức Euromonitor International 2016, khối lượng tiêu thụ nước có đường nhiều nhất hiện nay là trà uống liền với 2.036 triệu lít, đồ uống có ga 1.056 triệu lít, 356 triệu lít nước ép trái cây…