THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:43

Để vực dậy sau Covid-19, nước Mỹ cần “đơn thuốc đặc biệt” từng đối phó với Đại khủng hoảng 1930?

Các biện pháp giãn cách xã hội đang được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ khi hàng loạt công ty phải đóng cửa và hàng triệu người lao động mất việc làm. Những biện pháp được cho là khắc nghiệt nhưng cần thiết này rõ ràng đã mang lại hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng lại khiến các nhà hoạch định chính sách "đau đầu" vì không biết sẽ làm thế nào để tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19.

Ở thời điểm hiện tại, Cục dự trữ liên bang và Bộ Tài chính Mỹ đang có những bước đi mạnh mẽ thông qua các dự luật đặc biệt mới được thông qua. Theo đó, hàng nghìn tỷ USD sẽ được tung ra thị trường nhằm giải cứu hệ thống ngân hàng và các quỹ phòng hộ, giải cứu doanh nghiệp và mua lại nợ xấu để giải cứu thị trường cho vay thương mại.

Tất nhiên, những biện pháp này không phải bây giờ mới được thực hiện. Trước đó Tổng thống Franklin D. Roosevelt từng đưa ra hiệp ước Thoả thuận mới (New Deal) để giải cứu nền kinh tế Mỹ trong cuộc Đại Khủng hoảng 1930.

Với Thoả thuận mới, Roosevelt tái cấu trúc quy luật của nền kinh tế thông qua việc thành lập Công ty Tài chính Tái thiết (Reconstruction Finance Corp – RFC) – một hình thức của Ngân hàng nhà nước với mục đích bảo lãnh cho các ngân hàng tư nhân. Bên cạnh đó, RFC còn có một nhiệm vụ đặc biệt là tài trợ cho các chương trình phúc lợi và công trình xây dựng lớn và đã làm thay đổi hoàn toàn nước Mỹ thời điểm đó. Tuy nhiên, yếu tố thứ 2 là vấn đề còn thiếu trong các giải pháp cứu nền kinh tế Mỹ hiện nay.

70 năm trước, Ngân hàng nhà nước RFC đã ra đời và đóng vai trò như một nhà đầu tư mạo hiểm, cộng tác với các quỹ tư nhân và nhà hoạt động thị trường. Ngân hàng nhà nước này đã làm bất cứ điều gì có thể để duy trì hoạt động của nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Vai trò của RFC khi đó bao phủ toàn bộ nền kinh tế Mỹ từ phát hành thế chấp, tài trợ cho các công trình đường sắt, điện lưới hoá khu vực nông thôn và vốn hoá cho các ngân hàng tư nhân. Đây cũng là điều các ngân hàng nhà nước có thể thực hiện để giải cứu nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Để vực dậy sau Covid-19, nước Mỹ cần “đơn thuốc đặc biệt” từng đối phó với Đại khủng hoảng 1930? - Ảnh 1.

Rất có thể nước Mỹ đang cần một "đơn thuốc cũ" từng đối phó với Đại khủng hoảng 1930? (Ảnh: Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký Đạo luật an sinh xã hội vào tháng 8 năm 1935 với sự tham gia của các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Tổng thư ký lao động Frances Perkins tại Thư viện Quốc hội Mỹ)

Biện pháp này được cho là sẽ giúp giải quyết vấn đề đói nghèo và bất bình đẳng trong thu nhập. Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những điểm yếu cơ bản của nền kinh tế Mỹ. 44% lực lượng lao động Mỹ hiện nay thuộc nhóm thu nhập thấp. Chỉ 4 trong số 10 người Mỹ có đủ tiền tiết kiệm để chi trả cho những khoản chi phí phát sinh từ 400$ trở lên. Nợ sinh viên (vay tiền để đi học đại học) và nợ thẻ tín dụng buộc chân cả người trẻ lẫn người già. Cứ 6 hộ gia đình tại Mỹ thì có 5 hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp, trung bình 30% thu nhập của hộ gia đình chi trả cho dịch vụ giữ trẻ, chăm sóc con cái và 37% cho nhà ở.

Trước thực tế đó, hệ thống ngân hàng nhà nước kết nối các ngân hàng thương mại và ngân hàng tư nhân có thể giúp giải quyết một loạt vấn đề mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt hiện nay. Quan trọng hơn cả, nó sẽ giúp giải quyết tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng – vốn được coi là "bệnh lý nền" làm giảm sức đề kháng của nền kinh tế Mỹ.

Tất nhiên, không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính quyền Washington và Cục Dự trữ Liên bang trong việc giải cứu nền kinh tế Mỹ. Trên toàn nước Mỹ, tính đến nay đã có hơn 1.000 tỷ USD đầu tư cho hoạt động bảo trì và xây dựng cơ sở hạ tầng, bù đắp thiếu hụt nhà ở cho hơn 7 triệu hộ gia đình.

Để vực dậy sau Covid-19, nước Mỹ cần “đơn thuốc đặc biệt” từng đối phó với Đại khủng hoảng 1930? - Ảnh 2.

Hệ thống ngân hàng nhà nước có thể đầu tư cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng; cung cấp các khoản cho vay với lãi suất thấp và thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn; tái khởi động nền kinh tế bằng các quỹ khởi nghiệp cho nhóm doanh nhân da màu và các hợp tác xã công – nông nghiệp với hàng triệu lao động đang bị "nghỉ hưu sớm" vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước có thể kết hợp với các quỹ hưu trí để tài trợ cho những dự án quy mô lớn, thúc đẩy gia tăng việc làm và tạo phúc lợi cho người về hưu.

Ở khía cạnh tiêu dùng, hệ thống ngân hàng nhà nước có thể bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiết kiệm và người đi vay bằng các công cụ tín dụng ngắn hạn và quản lý tài khoản với chi phí thấp. Hiện nay, người Mỹ đang phải trả hàng trăm tỷ USD cho các ngân hàng phố Wall thông qua các khoản thanh toán lệ phí và lãi suất cao ngất ngưởng.

Quan trọng hơn, hệ thống ngân hàng nhà nước có thể đảm nhận vai trò cầu nối thông qua việc cứu trợ doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, giảm bất bình đẳng trong thu nhập, giảm phân biệt đối xử và xây dựng một hệ thống doanh nghiệp trẻ với sức đề kháng tốt hơn.

Với đạo luật CARES được thông qua, Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính Mỹ đang bơm hàng nghìn tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Mỹ. Mỗi người Mỹ trung bình có thể nhận được tấm séc 1.200 USD. Nhưng liệu đây có phải là "đơn thuốc đúng" để giải quyết căn bệnh "trầm kha" của nền kinh tế Mỹ?

Trong giai đoạn 1930-1939, Tổng thống Roosevelt hiểu rằng việc đưa nước Mỹ phát triển trở lại sau thời kỳ suy thoái là một thách thức không nhỏ với nền kinh tế thời điểm đó. Một tầng lớp trung lưu mới được hình thành thông qua Thoả thuận mới và hệ thống ngân hàng nhà nước, góp phần định hướng lại nền kinh tế và phát triển phúc lợi cộng đồng. Và có lẽ trong công cuộc tái thiết nền kinh tế sau Covid-19 hiện nay, nước Mỹ cần một "đơn thuốc" tương tự như thế!

Trước Covid-19, cả thế giới phải thừa nhận sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ. Và sự phục hồi từ đại dịch lần này không thể phản ánh hết những nỗ lực giải cứu trước đó, khi mà những người bị tổn thương nhiều nhất lại nhận được hỗ trợ ít nhất. Tuy nhiên, dù kịch bản nào xảy ra thì có một điều mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều khẳng định: Covid-19 sẽ làm thay đổi toàn bộ kết cấu kinh tế và xã hội của nước Mỹ. Nước Mỹ sau Covid-19 sẽ là một nước Mỹ rất khác!

Sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ phải xây dựng trên nền tảng vững chắc, đảm bảo hệ thống tài chính Mỹ có đủ hệ miễn dịch và sức đề kháng tốt nhằm ứng phó với những thảm hoạ tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Và để có hệ miễn dịch tốt, chắc chắn nước Mỹ phải giải quyết được căn bệnh tiềm ẩn vốn đã tồn tại từ nhiều năm nay: nghèo đói và bất bình đẳng!

Hà My

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh