CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:20

Đề thi THPT quốc gia sẽ có 40% câu hỏi phân hóa

 

Xin Cục trưởng cho biết số lượng thí sinh đăng ký dự thi năm nay cũng như công tác chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia hiện nay đã được tiến hành như thế nào?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Số lượng đăng ký dự thi năm nay khoảng 1.040 ngàn thí sinh, trong đó có 27,8% thí sinh dự thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT, 59% dự thi để vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét vào ĐH, CĐ, số còn lại là thí sinh tự do dự thi chỉ để xét vào ĐH, CĐ.

Về công tác chuẩn bị cho kì thi thì cho đến giờ phút này tất cả các địa phương, tất cả các cụm thi (gồm 38 cụm thi do ĐH chủ trì và cụm thi do các Sở GD-ĐT chủ trì) đều đã sẵn sàng. Nó được thể hiện thông qua các nét chính sau: Công tác chuẩn bị thi, đặc biệt là công tác sắp xếp phòng thi, lịch thi, giấy báo thi đã sẵn sàng.

PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

Vừa rồi sau khi chuyển phát giấy báo dự thi cho thí sinh thì cũng đã phát hiện ra một số sai sót. Những sai sót này rất khó tránh khỏi, có thể xuất phát từ phía thí sinh, người nhập liệu thì Bộ GD-ĐT đã tổ chức cho các em rà soát và đính chính cho phù hợp với đăng ký ban đầu của mình.

Mặc dù lịch đăng ký dự thi theo quy chế là kết thúc vào ngày 30/4, nhưng do đây là kì thi THPT quốc gia tổ chức năm đầu tiên nêu một số thí sinh tự do, đặc biệt là các em đăng ký dự thi vào khối ngành công an, quân đội không nhận được thông tin kịp thời. Chính vì thế để đảm bảo quyền lợi cho các em, Bộ GD-ĐT tiếp tục tạo điều kiện cho những đối tượng này hoàn thiện hồ sơ cho đến hết ngày 24/6.

Đây là việc làm mang tính chất nhân văn bởi có những em dự thi vào khối trường quân đội, công an có giới hạn độ tuổi. Nếu không được dự thi năm nay thì có thể năm sau đã quá tuổi đăng ký. Tuy nhiên việc làm này cũng gây khó khăn cho các cụm thi nhưng vì quyền lợi của thí sinh nên các trường ĐH, các Sở GD-ĐT đã nỗ lực để giải quyết, cho đến nay mọi việc đã vào nề nếp ổn định

Đối với các cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì thì các địa phương vào cuộc một cách rất quyết liệt. Hầu như 100% các tỉnh đều có phương án và bằng nhiều cách khác nhau, từ các tổ chức xã hội, từ phụ huynh…để tổ chức việc đưa đón thí sinh đi thi ở các cụm thi tại tỉnh cho nó thuận lợi. Việc làm này không mới nhưng năm nay làm đồng loạt, đồng bộ, quy cũ và bài bản hơn.

Các tổ chức thanh niên tình nguyện đã sẵn sàng với một số lượng rất lớn, tăng hơn nhiều so với mọi năm để hỗ trợ các em ngay từ lúc xuống tàu, xuống xe. Có nhiều nhà trường đã bắt đầu thành lập các đội xe máy tình nguyện, miễn phí. Có rất nhiều tỉnh bằng các hình thức tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo tổ chức bữa ăn miễn phí cho thí sinh. Có phòng ở, phòng trọ miễn phí…Tất cả việc làm nói trên đều hướng tới việc hỗ trợ cho thí sinh, cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của xã hội đối với kì thi quan trọng này.

Một trong những điều thí sinh lo lắng nhất vẫn là đề thi. Cục trưởng có thể chia sẻ đôi chút về công tác ra đề thi năm nay?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Cho đến giờ mọi công tác chuẩn bị thi đều đúng theo kế hoạch, phòng thi, các phương tiện kỹ thuật đã sẵn sàng . Công tác mà đòi hỏi sự khó khăn, trí lực nhiều nhất đó là công tác đề thi thì đến nay cũng thực hiện theo đúng kế hoạch, từng bước từng bước diễn ra một cách quy cũ, đúng quy chế.

Sau khi Bộ công bố đề thi minh họa thì Cục cũng đã có bộ phận tổng hợp phân tích các ý kiến góp ý. Trên cơ sở đó Bộ căn chỉnh một đề thi chính thức để làm sao bảo đảm được mục tiêu của kì thi.

Kì thi THPT quốc gia có hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nên đề thi có khoảng độ 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và khoảng 40% câu hỏi phân hóa nâng cao dần để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Chúng ta có thể hình dung như sau: Nếu bài thi tốt nghiệp năm 2014 chúng ta được 10 điểm thì năm nay nó tương xứng là 6 điểm ở kì thi THPT quốc gia. Ta có thể hiểu rằng, một học sinh năm ngoài dự thi tốt nghiệp đạt 5 điểm thì năm nay tương ứng là 3 điểm. Như vậy nó sẽ rất hợp lý về mặt khoa học, logic về mặt cấu trúc của đề thi.

Hiện nay vẫn còn những băn khoăn lo ngại sẽ có sự “chênh lệch” về kết quả thi ở cụm do Sở GD-ĐT chủ trì và cụm do các trường ĐH chủ trì. Cục trưởng chia sẻ như thế nào về sự băn khoăn này, liệu có sự “nương nhẹ” ở cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Tinh thần chung là chúng ta phải tổ chức kì thi này nghiêm túc. Dư luận xã hội từng đặt vấn đề là làm sao để kì thi này nghiêm túc, kết quả thi ở cụm do ĐH chủ trì và cụm thi do địa phương chủ trì phản ánh được đúng chất lượng thực của học sinh.

Tôi xin khẳng định, hiện tại công tác phối hợp giữa các trường ĐH và các trường THPT rất là “nuột nà”. Các trường ĐH cũng đã rất chủ động lập phương án, đặc biệt là huy động lực lượng giáo viên THPT, sinh viên năm cuối được tập huấn về coi thi, đặc biệt là công tác tổ chức chấm thi.

Năm nay đảm bảo sự đồng bộ trong toàn hệ thống thì dựa trên số lượng thí sinh đăng ký, các trường ĐH đã tính toán hiệu suất làm việc của từng giáo viên tham gia chấm thi để tính toán được lượng giáo viên cần thiết huy động. Vấn đề này đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT và các trường ĐH.

Công tác “điều quân” chấm thi không phải là của trường ĐH nữa mà dưới sự chỉ đạo của Ban chấm thi địa phương. Nghĩa là trường ĐH và Sở ngồi với nhau nêu ra yêu cầu để cùng bàn bạc, đề xuất để cử những giáo viên đủ năng lực, phẩm chất, trình độ tham gia chấm thi.

Ở cụm thi địa phương cũng có cán bộ từ các trường ĐH tham gia giám sát, tổ chức kì thi. Việc chấm thi sẽ kiểm tra kỹ hơn, được chấm hai vòng độc độc, trong quá trình chấm thì có tổ chức chấm kiểm tra độc lập và sau này còn có cả việc chấm thẩm định.

Về cơ sở vật chất phục vụ kì thi thì có sự phối hợp giữa Sở và các trường ĐH, CĐ, không còn có chuyện các trường ĐH xuống các trường phổ thông ký hợp đồng thuê cơ sở vật chất.

Còn gần 1 tuần nữa là đến kì thi, mặc dù đã sẵn sàng nhưng tinh thần là không chủ quan để hướng tới việc tổ chức kì thi nghiêm túc, an toàn, trơn tru trong toàn bộ tất cả các điểm thi. Công tác thanh tra sẽ được tiến hành vừa toàn diện vừa có những trọng điểm.

Công tác xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay sẽ như thế nào khi chúng ta dùng cơ sở dữ liệu chung, liệu có đảm bảo an toàn về mạng hay không?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Ngay sau khi coi thi xong thì công tác chấm thi sẽ tiến hành luôn để sớm có kết quả cho thí sinh.

Công tác kỹ thuật cho kỳ thi, đặc biệt là phần mềm tuyển sinh hiện đã rất trơn tru. Bộ GD-ĐT rất ghi nhận sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả, trách nhiệm của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Tập đoàn đã đề cử 27 đồng chí rất chuyên nghiệp, năng động và làm việc kỷ luật phối hợp chặt chẽ với Bộ, bên cạnh đó đã phải đầu tư một hệ thống cơ sở hạ tầng thiết bị CNTT rất lớn để bảo đảm an ninh, băng thông.

Về tuyển sinh năm nay thì vẫn theo hướng cơ sở dữ liệu chung, quy chế chung, ngưỡng đảm bảo chất lượng chung. Tuy nhiên, nhưng công tác tuyển sinh dựa trên tinh thần tự chủ của các trường ĐH, CĐ.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Theo dantri

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh