Đề thi hóa học thí sinh khó đạt điểm cao
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:11 - 04/07/2015
- Đã có gợi ý đáp án môn Toán kỳ thi THPT Quốc gia 2015
- Gợi ý giải môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia
- Chấm thi THPT quốc gia: Nhiều trường chọn phương án cuốn chiếu
- Thí sinh làm bài trong cái nóng trên 40 độ
- Những thí sinh đặc biệt nhất của kỳ thi THPT 2015
- Đà Nẵng: Hơn 30.000 thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2015
Tại điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội, các thí sinh rời khỏi trường thi với tâm trạng khá thoải mái. Các em cho biết, đề thi tuy dài và khó hơn đề minh họa của Bộ GD&ĐT, nhưng không quá khó để kiếm điểm 5 -6.
Thí sinh Ngô Thị Mỹ Hảo (khoa Thanh Nhạc, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) chia sẻ: Đề thi không khó với những bạn học khá, giỏi, nhưng học sinh trung bình cũng chẳng bị điểm liệt. Kiến thức cơ bản trong đề chiếm đến 60%. Khoảng 15 câu là nâng cao để phân loại học sinh thi đại học.
Theo Hảo, phần lý thuyết của đề đều là những kiến thức học sinh đã được học kỹ lưỡng trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đề có chút bẫy thí sinh, nếu nhầm một chút là bị mất điểm. Với các câu lý thuyết này, khi không chắc chắn, nếu thí sinh biết phân tích, loại trừ thì có thể khoanh được đáp án đúng.
Thí sinh trao đổi bài sau môn thi. Ảnh: Cù Hòa.
Phần bài tập tuy đều là các dạng bài quen thuộc nhưng vẫn có nhiều câu khó. Nếu chỉ dừng lại kiến thức trong sách giáo khoa và không tính xác suất khoanh bừa thì thí sinh khó làm được. Với mục tiêu chỉ để đỗ tốt nghiệp, Mỹ Hảo hoàn thành bài thi cuối cùng môn Hoá trong 45 phút với tâm trạng rất thoải mái.
Với các thí sinh thi khối A như Lưu Hồng Mai (THPT Văn Hiến, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Đinh Văn Tín (Ninh Bình), đề Hoá học dễ hơn đề đại học các năm trước, vì còn phục vụ mục tiêu tốt nghiệp. Các em đều cho rằng, đề này có tính phân loại thí sinh cao. Phần lý thuyết khá dễ còn bài tập hơi khó. Để đạt điểm 7-8 với đề này, theo Tín sẽ khá dễ nhưng rất khó để thí sinh đạt điểm 10.
Tại Đà Nẵng, mặc dù nhiều thí sinh rời phòng thi từ khá sớm nhưng vẻ mặt kém vui vì nhiều câu hỏi vẫn phải "đánh bừa". Thí sinh Huỳnh Thị Mỹ Linh (Quảng Nam), thi tại hội đồng trường THPT Phan Châu Trinh, nói đề có ít nhất 10 câu cuối mang tính phân loại.
"Nếu so với những năm trước, đề Hóa năm nay dễ thở. Tụi em cũng hiểu là do tính chất kỳ thi 2 trong 1. Kiến thức trong đề trải đều ở chương trình học, thiên về lý thuyết nên những bạn chăm chỉ có thể đạt được điểm khá", Linh nói và cho biết làm được khoảng 70%.
Đánh giá đề ra vừa với thời gian làm bài, tuy nhiên nhiều thí sinh cũng cho rằng với những câu hỏi khó các em phải vận dụng nhiều cách tính mới cho ra được kết quả thỏa đáng.
Tại Huế, đề thi môn Hóa được các thí sinh đánh giá là nặng về lý thuyết. Nhiều em cho rằng các câu hỏi lý thuyết chủ yếu tập trung vào những kiến thức của chương trình cơ bản trong chương trình sách giáo khoa, một số câu xuất hiện dưới dạng ứng dụng vào thực tiễn.
Tại hội đồng thi trường THPT Hai Bà Trưng, một số thí sinh rời phòng thi từ khá sớm và tranh thủ thảo luận về các câu hỏi khó ở đề Hóa. "Đề thi Hóa có tính phân loại thí sinh, nhiều câu hỏi dạng bài toán có tính đánh đố đòi hỏi người giải phải nắm kiến thức nền thật chắc mới có thể giải nhanh được", Thu Trang dự thi tại trường Hai Bà Trưng, nhận định.
Cùng với Thu Trang, thí sinh Hoàng Quốc Việt (Quảng Bình) cho rằng đề có nhiều dạng bài cần lập công thức, chuỗi phản ứng mới có thể tìm ra kết quả. Nam sinh này không tự tin với bài thi của mình vì nhiều câu vẫn phải cầu may.
Tại TP. Hồ Chí Minh, thí sinh Tú Anh thi tại điểm trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, đề thi môn Hoá dễ. "Em làm được 80%, chỉ có 10 câu cuối cùng là khó. Ngày mai em thi môn Sinh nữa là xong. Kỳ thi này em chỉ không tự tin ở môn Toán, còn lại đều tốt, chắc sẽ trúng tuyển đại học", Tú Anh nói.
Thí sinh Tuấn Khang dự thi tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tự tin, em làm được gần 70% đề bài. Với đề hoá này để giành điểm 5-6 không khó vì câu hỏi chủ yếu nằm trong kiến thức lớp 12 đã được ôn tập nhiều. Với những bạn học khá có việc dành 7-8 điểm cũng không khó nhưng để đạt được điểm tuyệt đối phải là học sinh giỏi.
Tại cụm thi Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, thí sinh Mai Sơn Lâm nhận xét đề này dễ hơn đề Hóa học khối A tuyển sinh vào đại hoc, cao đẳng 2014 và dễ hơn đề thi minh họa của Bộ Giáo dục. "Phần hoá vô cơ khó hơn hoá hữu cơ. Em chỉ đánh bừa 5 câu cuối", thí sinh thi để xét tuyển khối A và D cho biết.
Em Nguyễn Đình Bình đến từ Tây Ninh dự thi tại điểm trường THPT Tây Thạnh tự tin sẽ được 7 điểm và làm tốt 30 câu đầu tiên, 20 câu cuối là hơi khó.
Thầy Nguyễn Thành Sơn, Tổ trưởng tổ Hóa, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận xét, đề thi có 60% câu hỏi lý thuyết 40% bài tập tính toán. Phần hóa đại cương - vô cơ lớp 10 có 5 câu, phần hữu cơ lớp 11 có 10 câu, phần hóa vô cơ lớp 12 có 20 câu, phần hữu cơ lớp 12 có 15 câu. Như vậy 30% các câu hỏi thuộc chương trình lớp 10, 11 và 65% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. 30 câu đầu (chiếm 60%) rất dễ, chỉ yêu cầu kiến thức cơ bản, nhìn qua có thể làm được ngay nên học sinh trung bình dễ dàng đạt 5-6 điểm. 40% câu hỏi còn lại có mức độ khó tăng dần đáp ứng được yêu cầu phân hóa cho mục đích tuyển sinh đại học, trong đó có 5 câu (chiếm 10%) thực sự khó khiến học sinh mất nhiều thời gian để tìm được hướng giải. Với đề thi này, học sinh khá có thể được 8-9 điểm. Điểm 10 sẽ khó khăn. “Đề thi có một câu hỏi yêu cầu kiến thức về thực hành và đây là nội dung cần thiết với môn khoa học thực nghiệm như hóa học. So với đề minh họa thì các câu cơ bản dễ hơn, phần bài tập có độ khó tương đương. Đề thi đáp ứng được hai yêu cầu tốt nghiệp và xét tuyển đại học”, thầy Sơn nói. |