Những thí sinh đặc biệt nhất của kỳ thi THPT 2015
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 00:44 - 02/07/2015
Chàng trai lùn bẩm sinh và ước muốn thành kỹ sư CNTT
Tại hội đồng thi Bách Khoa Đà Nẵng, thí sinh Nguyễn Đình Phước (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) gây sự chú ý đặc biệt đối với các giám thị cũng như báo giới. Trong số hàng trăm thí sinh dự thi ở đây, Phước là người duy nhất có chiều cao khiêm tốn - 90 cm.
Phước và cha của minfnh. (Ảnh: Đoàn Nguyên) .
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Quảng Nam, Phước không được may mắn vì bị lùn bẩm sinh từ nhỏ. Vì quá thấp nên em không thể đi xe đến trường. Suốt 12 năm qua, Phước đều phải nhờ cha hoặc các bạn gần nhà chở đến lớp. “Lúc nhỏ, khi bị một số bạn trêu đùa em cũng thấy mặc cảm. Nhưng được các bạn thân và thầy cô ở trường quan tâm, giúp đỡ, em dần lấy lại sự tự tin và xem chiều cao hạn chế là động lực để cố gắng học cho tốt", Phước nói.
Năm nay, Phước đăng kí thi vào ngành CNTT trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng theo định hướng của gia đình. Đây cũng là ngành nghề mà Phước cho là phù hợp với chiều cao khiêm tốn của bản thân. "Ước mơ của em là trở thành kỹ sư CNTT để tự nuôi bản thân và giúp cha, mẹ nuôi các em ăn học.
Thí sinh bị gãy chân 30 lần vượt khó đi thi
Ở hội đồng thi trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, thí sinh Nguyễn Trọng Tín (19 tuổi, trú xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), kém may mắn hơn nhiều khi em bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Tín được cha cõng đến địa điểm thi từ rất sớm.
Ông Nguyễn Hoàng (cha Tín) kể, mặc dù đã 19 tuổi nhưng Tín chỉ cao 1,28 m, nặng chưa tới 25 kg. Nguyên nhân là khi mới sinh ra, Tín đã bị bệnh xương thủy tinh hành hạ. "Đối với bệnh này, xương rất dễ gãy nên mọi ăn uống, sinh hoạt, đi lại của cháu đều phải nhờ người nhà lo", ông Hoàng tâm sự.
Gia đình đã tốn rất nhiều tiền nhưng bệnh tình của cháu mỗi ngày một nặng hơn. Đến nay, hai chân của cháu đã gãy hơn 30 lần. Đặc biệt, ở chân phải của Tín có rất nhiều vết mổ nên giờ bị co rút lại".
Tín chia sẻ, năm nay em dự thi khối A để xét tuyển vào khoa CNTT, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Khi được hỏi tại sao em lại thi ngành CNTT, Tín cho hay: “Em ước mơ trở thành kĩ sư máy tính. Với tình trạng sức khỏe hiện nay, em cũng chỉ có thể học được ngành CNTT mà thôi”.
Thí sinh có “trợ lý” viết bài
Thí sinh được hỗ trợ đặc biệt kể trên là em Đỗ Thị Thảo (sinh ngày 1.7.1997, học sinh lớp 12A3 trường THPT Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, dự thi ở điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, điểm thi do trường ĐH Công Nghiệp Thực phẩm TPHCM chủ trì).
Ngày 10.6, trên đường đi học về, Thảo không may bị tai nạn giao thông, gãy tay phải (hiện đang điều trị tại Bệnh viện quận Bình Tân- PV), đến nay vẫn chưa viết được.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho em Thảo dự thi, ông Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng trường THPT Lê Minh Xuân đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi trường ĐH Công Nghiệp Thực phẩm TPHCM (đơn vị chủ trì cụm thi mà Thảo tham gia) hỗ trợ một học sinh ghi bài cho Thảo trong những ngày thi.
Học sinh được hỗ trợ ghi bài là em Nguyễn Thị Kim Cương, sinh ngày 7.5.1998 (đang học lớp 11B11 cùng trường). Trao đổi với PV, ông Lê Thành Tới, trưởng điểm thi trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cho biết, Thảo không đến làm thủ tục dự thi. “Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thi, điểm thi đã bố trí cho Thao một phòng thi đặc biệt, có hai giám thị coi thi cùng với người viết bài giúp em như trường THPT Lê Mình Xuân đã đề xuất”, ông Tới cho biết.
Để đảm bảo tính công bằng và nghiêm túc, phòng thi của thí sinh Thao được đặt thêm một máy ghi âm để hội đồng thi nhà trường kiểm tra khi cần thiết và xác nhận lại nếu nghi ngờ vi phạm quy chế.