Đề án chống ùn tắc tại Hà Nội đạt giải 2 tỉ đồng: Tổng hợp các ý kiến cũ?
- Tây Y
- 21:37 - 11/09/2017
Ngày 8/9, Sở Giao thông Vân tải Hà Nội cùng UBND TP Hà Nội đã công bố và trao giải cuộc thi Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Những giải pháp chống ùn tắc liệu có khả thi hay lại chỉ để “nhét gầm bàn”
Cuộc thi không có đơn vị đạt Giải nhất. Giải nhì được trao cho liên danh viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civi Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI) với số tiền thưởng 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng). Ngoài ra, 5 đơn vị lọt vào vào vòng chung khảo cũng đã được nhận số tiền hỗ trợ là 25.000 USD/1 đơn vị. Như vậy tổng số tiền thưởng cho các đơn vị là trên 5 tỷ đồng.
Được biết ý tưởng đạt giải nhì đã đưa ra 7 chiến lược nhằm chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội.
1: Mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ.
2: Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe…
3: Phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể ở đây là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị…
4: Giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.
5: Đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc.
6: Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng.
7: Lộ trình để thực hiện những chiến lược trên. Thứ tự các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sự liên kết phát triển trong việc thực hiện các chiến lược trên.
Ngay sau khi những giải pháp này được công bố, nhiều ý kiến cho rằng đây là những giải pháp không mới, thậm chí rất cũ, và khó áp dụng vào thực tế cho tình hình giao thông Hà Nội hiện nay.
Đầu tiên, xét về tính chất, mục tiêu thì đây là cuộc thi để tìm ra những giải pháp tối ưu nhất để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, là cuộc thi mà kết quả của nó được áp dụng chung cho hầu như tất cả mọi người dân trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên ngay từ đầu cuộc thi, tại Thông báo số 26/TB-BTC ngày 10/1/2017 của Ban Tổ chức quy định thì chỉ có những tổ chức tư vấn và cá nhân liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch và phải có năng lực hạng I mới được tham gia.
Như vậy, thông báo này đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn người dân tham gia với tư cách cá nhân, cũng như các tổ chức, đơn vị không liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch. Trong khi đó ý tưởng trong nhân dân là phong phú vô cùng.
Nhiều người cho rằng đối tượng chưa phù hợp, chưa phát huy được trí tuệ con người, vì chưa chắc các đơn vị thiết kế đô thị đã giỏi hoàn toàn. Mặt khác có ý kiến cho rằng những đô thị xộc xệch với nền giao thông “dị dạng” mà chúng ta đang có là sản phẩm của “dân chuyên môn”. Và câu hỏi được đặt ra vì sao Hà Nội không mở một kênh đối thoại công khai lấy ý kiến người dân trên cả nước, từ đó tìm ra những ý tưởng, giải pháp phù hợp, sau đó đánh giá về tính khả thi rồi đưa ra quyết định. Như vậy vừa tiết kiệm thời gian, lại vừa không tốn kém về chi phí.
Về giải pháp mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ. Giải pháp này không mới, và thực tế là rất khó áp dụng, vì hiện nay quy hoạch đô thị tại Hà Nội rất lộn xộn, và không bài bản, theo kiểu chắp nối. Vậy nên để thực hiện được giải pháp này trừ khi Hà Nội “đập đi làm lại, hoặc làm trên một bãi đất trống”.
Đánh giá về những giải pháp trên, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây Dựng Hà Nội cho biết: “Đã tổ chức cuộc thi thì phải có tổng kết, trao thưởng. Nhưng đề án, giải pháp, ý tưởng được trao giải phải là điều gì mới mẻ, mang tính sáng tạo đột phá, chứ không phải tổng hợp tất cả những ý kiến mà người dân, chuyên gia đã đưa ra trong quá khứ".
Còn TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản GTVT cho rằng, đây đều là những giải pháp cũ. Theo TS.Thủy: “Chúng tôi đã đưa ra những ý tưởng, giải pháp này từ cách đây 15 - 20 năm rồi, điều này đã có báo chí, sách vở, tài liệu chứng minh. Ý tưởng không có gì mới, không sáng tạo thì tại sao xứng đáng được thưởng?".
Những giải pháp khác như điều chỉnh giải phân cách mềm trên tuyến đường theo nhu cầu đi lại, phát triển BRT chỉ mang tính tiểu tiết, giải quyết vấn đề cục bộ. Không mang tính vĩ mô, tầm nhìn chiến lược. Trong điều kiện hạ tầng giao thông hiện nay của Hà Nội, việc phát triển buýt nhanh BRT không phù hợp.
Còn giải pháp điều chỉnh giải phân cách mềm trên tuyến đường theo nhu cầu, lưu lượng phương tiện đi lại nhằm chống ùn tắc, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng đây là một giải pháp hài hước và bất khả thi.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc