THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:29

ĐBQH đề nghị tịch thu tài sản nếu cán bộ không giải trình được nguồn gốc

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn)

 

Sáng nay 21/11, Quốc hội bước vào phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Nội dung này sẽ được tiếp tục trong nửa thời gian làm việc buổi chiều - nhiều hơn các dự án luật thông thường khác, thường chỉ diễn ra trong một buổi.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đề cập việc kê khai tài sản. Đó là chỉ cơ quan quản lý cán bộ mới được tiếp cận bản kê khai. Theo ông Thế, quy định như vậy không phù hợp vì một cơ quan như vậy phải quản lý bản kê của nhiều người, khó thẩm tra, lại thêm tâm lý cùng cơ quan đơn vị thì dễ bao che cho nhau. Ông Thế đề nghị giao cho cơ quan khác thực hiện việc giám sát này như HĐND cấp huyện, tỉnh.

Nêu thực tế tài sản thiệt hại do tham nhũng lên đến gần 60 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được trên dưới 10%, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nhìn nhận một trong các nguyên nhân là chưa có cơ chế xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Hiện nay nếu phát hiện tài sản kê khai không đúng thì áp kỷ luật với chính người kê khai, có thể cảnh cáo, cách chức chứ không động được vào tài sản bất minh đó. Muốn thu được khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Và đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án.

Lần sửa đổi này, dự thảo luật có một điều mới (điều 123) quy định về xử lý hành vi không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Theo quy định tại đây thì người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập thì sẽ không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.

Người đã được bổ nhiệm, phê chuẩn mà bị kết luận là không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập thì phải từ chức hoặc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức cách chức, giáng chức...

Như vậy, theo đại biểu Thuỷ vẫn chỉ là xử lý người kê khai không đúng còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp vẫn để ngỏ.

Nêu kinh  nghiệm quốc tế, bà Thuỷ nói Trung Quốc không có luật phòng chống tham nhũng riêng, nhưng trong Bộ luật hình sự có quy định về giải trình nguồn gốc tài sản và không giải trình được thì phần tài sản đó bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra còn có thể phạt tù đến 5 năm.

Cho rằng thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dẫu là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng bà Thủy nhấn mạnh rõ ràng đây là sự chờ đợi của người dân.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh phải bổ sung tài sản bất minh là tài sản tham nhũng. Có như vậy mới giải quyết 2 vấn đề cốt tử của luật lần này, đó là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.

Theo ông, việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản tham nhũng do mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng trong nhiều năm qua.

Về trách nhiệm giải trình tài sản, ĐB Đà Nẵng cho rằng, chủ sở hữu tài sản phải có trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước có quyền thu hồi. Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm chứng minh của cơ quan nhà nước.

Về trách nhiệm giải trình tài sản, ĐB Đà Nẵng cho rằng, chủ sở hữu tài sản phải có trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước có quyền thu hồi. Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm chứng minh của cơ quan nhà nước.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh