THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:57

ĐBQH bị bãi nhiệm, cơ quan giới thiệu có trách nhiệm gì?

 

“Quốc hội khóa XIII đặt ra nhiều hy vọng và có thể nói hơi áp lực cho công tác tiến hành bầu cử ĐBQH khóa XIV, cho cả những người ứng cử và cho cả công tác bầu cử. Đó cũng là trách nhiệm lớn lao của Mặt trận trong công tác bầu cử lần này”- ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  chia sẻ về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội lần này.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Theo ông Truyền, Quốc hội vừa rồi kiện toàn rất nhanh các danh sách của Chính phủ để đảm bảo cho sự phát triển đất nước. Công cuộc bầu cử cũng đồng thời diễn ra đúng vào lúc bầu cử các lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ. Vì vậy, phải làm sao phải rút ngắn, bớt đi những gì mang tính chất chuyển giao, liên hoan, hội họp. Cần phải làm nhanh để có sự chuyển động tích cực.
Ông Phạm Xuân Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch cũng cho rằng, việc hiệp thương lập danh sách ứng cử ĐBQH cũng là một việc làm quan trọng trước nhân dân, trước lịch sử. Trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, việc lấy ý kiến của cử tri gần với ứng cử viên là sự tiến bộ.

Ông Phạm Xuân Hằng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Tuy nhiên, theo ông Hằng, “đây không phải là tiến bộ tuyệt đối mà chỉ tương đối vì nhiều cái dân còn không biết. Ví dụ việc kê khai tài sản nếu không nói thì sao dân biết được. Sau này nhiều đồng chí về hưu báo chí đưa ra thì mới bị phanh thui. Nguyên nhân của việc này không phải chúng ta không làm hết trách nhiệm với nhân dân, với lịch sử mà chúng ta chỉ biết thông tin đến đó. Tôi nghĩ rằng đã có một quy trình là lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú cũng là bước tiến bộ để thêm thông tin nhưng chúng ta phải dựa vào dân để đổi mới. Dựa vào dân phải tin dân”.
Vẫn có đại biểu bị bãi miễn, trách nhiệm thuộc về ai?
Trăn trở về việc làm sao để hoạt động Quốc hội khóa tới tránh hình thức, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hoá xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa ra dẫn chứng, trong nhiệm kỳ vừa qua có tình trạng một số người khi được bầu vào một số chức vụ đã tổ chức tiệc ăn mừng rất lớn.
“Đoàn Chủ tịch nên suy nghĩ xem chúng ta đã thực sự làm đủ trách nhiệm của mình đối với những người ứng cử và quá trình giám sát đã sát chưa. Mặt trận giới thiệu danh sách nhưng tại sao không có trách nhiệm giám sát người giới thiệu. Một năm có 2 lần Đoàn Chủ tịch họp nhưng chúng ta liệu có buông? Trách nhiệm giới thiệu và trách nhiệm giám sát phải thuộc về Mặt trận”- ông Túc nêu câu hỏi.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
Nhiều năm sát với cơ sở và dự nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri ở cơ sở từ tổ dân phố đến cụm dân cư đến Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ phường, ông Nguyễn Bá Duyệt, Tổng thư ký Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cũng chia sẻ, qua những cuộc lấy ý kiến của cử tri, không phải lấy ý kiến nhận xét về mặt công tác, đánh giá về hoạt động của người tham gia ứng cử mà chủ yếu nói về việc vị đó sống ở khu dân cư thế nào, có đoàn kết, chấp hành pháp luật ở khu dân cư hay không, có hòa đồng, gia đình và bản thân sống thế nào. Đó đều là nhận xét ở khu dân cư và tổ dân phố. “Tôi cho rằng, tất cả ý kiến ở tổ dân phố như thế là đúng bởi vì những người được ứng cử giới thiệu này đều là những người có đầy đủ phẩm chất, có cuộc sống ở khu dân cư tương đối tốt”.
Ông Nguyễn Bá Duyệt cũng cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội XIII, Mặt trận cũng trải qua các kỳ hiệp thương nhưng cuối cùng vẫn có đại biểu bị bãi miễn. “Vậy qua việc này chúng ta phải kiểm điểm xem trách nhiệm này do đâu, ai là người chịu trách nhiệm chính và Mặt trận giới thiệu những người này có trách nhiệm gì trong vấn đề lựa chọn. Vì vậy, khi lựa chọn kỳ này chúng ta đã có bài học đó rồi để làm sao sự lựa chọn của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phải đảm bảo được độ tin cậy cao để dân tin”./.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh