THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:33

ĐB Quốc hội: Phân cấp cho địa phương quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang

Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia.

Diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường

Nhiều đại biểu cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế như việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch.

Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư; một số tỉnh, thành phố chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đồng tình với việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên để đạt các mục tiêu đến năm 2030, đại biểu nhận thấy, xu hướng công nghiệp hóa và phát triển đô thị để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là tất yếu.

Đồng thời, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất của các ngành, trong đó có nông nghiệp, sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thì việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện hơn, nhất là với việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp.

“Các vấn đề này cần được dự báo và điều chỉnh linh hoạt, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, trong thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường (như các bãi thải tro xỉ nhiệt điện than, bãi thải mỏ khai thác than…). Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ.

Đại biểu băn khoăn, việc tăng chỉ tiêu này hiện không rõ là do tăng diện tích đất cho bãi thải hay diện tích đất cho xử lý chất thải. Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong xử lý chất thải. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải), quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải để làm rõ hơn nội dung này.

Về chỉ tiêu “đất khu công nghệ cao”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhận thấy, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tiêu diện tích đất khu công nghệ cao được quy hoạch đến năm 2025 là 4,14 nghìn ha (chỉ tăng rất ít có 510 ha) so với năm 2020, chiếm 0,01% trong cơ cấu các loại đất) và không tăng trong giai đoạn 2025 - 2030.

Đại biểu cho rằng chỉ tiêu này chưa phù hợp với cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý đã nêu trong Tờ trình số 490/TTr-CP ngày 28/10/2021 của Chính phủ. Do đó, kiến nghị Chính phủ cân nhắc, điều chỉnh diện tích lớn hơn đối với chỉ tiêu đất khu công nghệ cao đáp ứng định hướng phát triển đất nước đến năm 2030.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Thành phố Cần Thơ, thảo luận tại hội trường Diên Hồng.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH Thành phố Cần Thơ, thảo luận tại hội trường Diên Hồng.

Địa phương muốn tăng phân cấp

“Đề nghị Quốc hội phân cấp cho cấp tỉnh quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất với đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt”, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu.

Cơ sở của đề xuất này, theo đại biểu, là dựa trên cả mong muốn của các địa phương và logic. Vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đều đã được Chính phủ phê duyệt, khi chuyển đổi lại phải xin Thủ tướng Chính phủ là không phù hợp, chưa kể phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí.

“Thời gian vừa qua, do quy định phải xin ý kiến của Chính phủ, nên để làm nhanh, nhiều địa phương chia nhỏ dự án, để đảm bảo dưới 10 ha đất lúa, dẫn tới tình trạng khu đô thị, khu dân cư, dự án manh mún, thiếu kết nối hạ tầng. Tôi tin chắc, nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp này, việ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ này sẽ tốc độ hon, hiệu quả hơn, kéo theo đầu tư công, huy động nguồn lực xã hội tốt hơn, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng”, đại biểu Thịnh phân tích.

Ông Thịnh cũng cho rằng, đây cũng là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng, ghi dấu ấn của Quốc hội, Chính phủ.

Cùng với đề xuất này, đại biểu Thịnh cũng đề nghị cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế giám sát để đảm bảo hiệu quả của cơ chế phân cấp.

Cũng để đảm bảo việc thực thi hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị khống chế thời gian Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố trước 31/12/2021, để làm cơ sở cho các địa phương có cơ sở phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

“Sau khi Quốc hội phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia, Chính phủ phải hoàn tất nhiệm vụ trên, nếu không địa phương không có căn cứ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất”, ông Thịnh làm rõ.

Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Đề cập đến giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình), cho rằng, báo cáo đưa ra 6 giải pháp. Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực, đại biểu đề nghị cần phải cụ thể hóa như việc huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương đến địa phương;

Thực hiện cơ chế công - tư kết hợp dưới nhiều hình thức huy động nguồn vốn dầu tư từ doanh nghiệp, đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu Covid 19; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách chính quyền linh hoạt và chủ động hơn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị trong quá trình triển khai sử dụng đất phải có  sự liên thông, các căn cứ pháp luật liên quan đến đất đai. Để việc triển khai được thuận lơi, đề nghị các bộ ngành liên quan cần cập nhật đầy đủ nhu cầu của các ngành, địa phương để tránh việc không thống nhất nhu cầu sử dụng đất của địa phương.

Việc dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu làm cho việc phân bổ chỉ tiêu ảnh hưởng đến việc phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng trong việc phát triển kinh tế. Đối với quy hoạch đất rừng trồng, đại biểu đề nghị có sự điều chỉnh phù hợp, bởi thực tế cho thấy các đợt lũ những năm vừa qua chủ yếu xảy ra ở những khu vực rừng trồng. Vì vậy, cần quy hoạch phù hợp để tránh tình trạng mở rộng rừng trồng, kéo theo hệ lụy giảm khả năng thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, vùng trọng điểm, dự báo sát tình hình biến động của các loại đất đai.

Từ đó có phương án sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì an ninh lương thực, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng, tác động lớn như đồng bằng sông Cửu Long.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng - Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh