CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:28

Dạy trẻ học sớm như thế nào?

Sốt ruột vì “con nhà người ta”

Tham gia vào một diễn đàn trẻ thơ trên mạng, thấy nhiều phụ huynh tự hào khoe con mình thông minh, mới ba, bốn tuổi đã biết đọc, biết viết chữ, chị Nguyễn Thúy Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy sốt ruột. Dù vậy, do đã đọc được nhiều cảnh báo của các chuyên gia giáo dục về sự lợi bất cập hại của việc dạy trẻ học sớm nên chị quyết định sẽ không dạy con học trước. Vào lớp một, bé Tuấn con chị Loan chỉ biết vài chữ a, b, c. Trong khi đó, phần lớn các bạn trong lớp đã biết đọc trôi chảy. Sau vài buổi học, chị thấy mặt con buồn buồn. Gặng hỏi mới biết bé tự ti vì không theo kịp các bạn. Thế là từ hôm đó, hai vợ chồng chị xoay ra đánh vật với việc dạy con. Ngày nghỉ cuối tuần và những buổi tối chị dành cho việc kèm cặp con học. Từ kinh nghiệm của đứa đầu, chị Loan đang băn khoăn có nên cho đứa con thứ hai học chữ sớm hay không.

Cùng nỗi băn khoăn đó, chị Lê Thị Thu ở quận Ba Đình chia sẻ: “Con tôi mới 2,5 tuổi nhưng đã nói rành rọt, phân biệt được màu sắc, con số, một vài chữ cái. Tôi thấy cháu thông minh hơn so với bạn cùng lứa nên muốn cho cháu học chữ sớm. Tôi cũng tìm hiểu thấy nhiều cảnh báo về tác hại của việc cho trẻ học chữ sớm nên còn do dự. Tuy nhiên, tôi cũng muốn cháu phát huy khả năng thì nên dạy gì cho cháu?”.

Nỗi băn khoăn của chị Loan, chị Thu cũng là băn khoăn của không ít phụ huynh đang có con ở độ tuổi mầm non. Thời đại hiện nay, trẻ có điều kiện về dinh dưỡng, được tiếp xúc với một thế giới năng động hơn nên phát triển sớm cả về thể chất và trí tuệ. Nhiều trẻ em từ hai tuổi đã nói khá tốt, cùng với đó là bản năng thích khám phá, tìm tòi, học hỏi của bé cũng phát triển sớm hơn. Đó là lý do khiến nhiều phụ huynh muốn con được học hỏi nhiều hơn, trong đó có việc học chữ sớm.

Quan trọng là phương pháp

Học giả nổi tiếng người Nhật Shichida Makoto và tiến sĩ Robert C. Titzer, chuyên gia về giáo dục trẻ em ở Mỹ cho rằng, từ 0 đến 4 tuổi được xem là giai đoạn thiên tài trí nhớ, trẻ có thể tiếp thu rất tốt, bằng mọi giác quan. Trong giai đoạn này, khi các giác quan thính giác, thị giác, xúc giác được kích thích đúng phương pháp, trẻ sẽ phát triển tốt nhất tiềm năng trí tuệ. Theo các công trình nghiên cứu của Nhật, việc dạy chữ có thể làm thay đổi chức năng và dẫn đến cấu tạo não thay đổi theo. Trẻ càng nhỏ càng dễ thay đổi. Khi trẻ nhớ chữ, trẻ sẽ có tố chất cao phi thường. Ở Nhật, phụ huynh thường dạy chữ cho con từ rất sớm. Như vậy, theo phân tích của các chuyên gia, phụ huynh có thể giúp trẻ biết đọc sớm ngay từ độ tuổi mầm non, chứ không nhất thiết phải đến lớp 1 mới tập đọc.

Tuy nhiên, cách thức, phương pháp dạy trẻ ở lứa tuổi tiền tiểu học hoàn toàn khác so với dạy trẻ ở lớp 1. Điều quan trọng là phải để trẻ học tự nhiên như những gì chúng cần, không cứng nhắc, rập khuôn mà phải linh hoạt. Phụ huynh có thể sử dụng các phương pháp sau để giúp trẻ sớm biết đọc: Sử dụng trò chơi để duy trì tương tác cảm xúc tích cực với trẻ; tạo không khí thoải mái, đặc biệt cần khơi gợi tính tò mò, thích khám phá của trẻ; giúp trẻ trải nghiệm các giác quan thị giác, thính giác, xúc giác, cảm giác… nhiều nhất có thể; phải kiên trì, bền bỉ, không được nóng vội, sốt ruột. Phụ huynh không nên ngại giải thích nhiều lần cho con về một vấn đề, cho dù trẻ thơ thường hỏi đi hỏi lại một điều ngô nghê khiến ta bực mình. Để đứa trẻ có thể thành thạo một việc thì phải cần ít nhất là 3 tháng. Chẳng hạn, khi trẻ đã nhớ được chữ “a, i, u, e, o” thì phải mất ít nhất 3 tháng mới có thể đọc được thành thạo.

Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng các chương trình giảng dạy giúp bé vừa được nhìn, vừa được nghe thấy âm thanh; nhưng cũng đừng quên sử dụng những tấm thẻ ghi nội dung chữ, số để vừa chơi vừa nhắc nhớ bé. Các tấm thẻ này có thể tự chế từ giấy, bìa các-tông hoặc mua tại các nhà sách. Thông thường thẻ được cấu tạo giống như một lá bài lớn với một mặt là nội dung và chữ số, một mặt là hình ảnh, khiến trẻ hứng thú.

Biết đọc sớm là giúp trẻ sớm tự khám phá kho tàng kiến thức từ sách. Tuy nhiên, chỉ là đọc chữ chứ phụ huynh không nên dạy trẻ cầm viết ở giai đoạn này bởi trẻ có thể bị dị tật cong, vẹo cột sống, cận thị… nếu không ngồi đúng cách.    

NGUYỄN HUYỀN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh