THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:55

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19

Trước thực tế còn một số địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã phân bổ kịp thời vaccine phòng COVID-19 đến các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Tổng hợp ghi nhận kết quả triển khai từ các địa phương, đơn vị, đến hết ngày 30/11/2021 đã tiêm được hơn 123 triệu liều vaccine.

Nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên cao (trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1) và đang triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp. Nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1662/CĐ-TTg ngày 2/12/2021, để tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.

Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vaccine cao cần rà soát kỹ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.

Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12/2021 của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Tiêm vaccine Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tỉnh hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vaccine đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vaccine với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí.

Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tăng cường thực hành an toàn tiêm chủng, theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm; hướng dẫn người được tiêm theo dõi sức khoẻ sau khi tiêm và liên hệ với cơ quan y tế gần nhất khi cần thiết; xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, tính an toàn của vaccine và những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, tránh hoang mang và hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ sử dụng vaccine đã được phân bổ và tỷ lệ bao phủ vaccine tại địa phương.

Liên quan đến nguồn vaccine phòng COVID-19, tại cuộc họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay (5/12), Bộ Y tế cho biết, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều. Số vaccine đã tiếp nhận đến hết ngày 3/12 là hơn 150 triệu liều.

Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ... Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020 cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước. 

Hà Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh