THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:54

Đẩy mạnh cải cách để không lỡ nhịp với thiên hạ

Đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Đánh giá cao sự chuyển hướng quyết đoán và kịp thời của Chính phủ trong những tháng gần đây đã giúp chúng ta bước đầu kiểm soát được dịch bệnh và từng bước mở cửa phục hồi nền kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, chúng ta cần phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội.

Theo đó, cần rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu cho rằng, biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo. Đại biểu hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2- 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Đối với gói đầu tư công, đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.

 “Chúng ta hiểu rằng, không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về sinh mạng, về vật chất, tinh thần mà người dân và doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong những tháng ngày qua. Và mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay là rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể một chút lơ là, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp  với thiên hạ. Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam.”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, trong lúc này, Nhà nước phải thực sự “tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng,” cần có cơ chế thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội, người dân; triển khai ngay các chính sách phục hồi khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là các địa phương trọng điểm như Đồng Nai có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, tránh đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia; thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc an toàn; có các gói khuyến khích kinh tế liệu lượng hợp lý, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp.

Về chính sách thu ngân sách, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn, giảm thuế. Do đó, trong thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. 

Đối với các gói an sinh xã hội, theo đại biểu, với mức hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu/người/lần mang ý nghĩa động viên rất lớn nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ triển khai 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế: 

Thứ nhất, sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên và củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo.

Thứ hai, tập trung rà soát và sửa đổi thể chế.

Thứ ba, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản vào sản xuất và lưu thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để cắt giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Thứ tư, cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình đã dang dở để hoàn thành, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công. 

Thứ năm, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt là Kết luận 14-KL/TW  về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có như vậy mới phát huy được cái tính năng động, sáng tạo của cán bộ.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh