THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:34

Dạy con từ thuở còn thơ

 

Cả bé trai và bé gái đều có thể nắm quyền “chuyên chế” trong nhà. Nhưng phần lớn các trường hợp là bé trai, nhất là con một, con nuôi hay con hiếm muộn. Trẻ muốn gì được nấy nên có cảm giác sống trong thế giới của sự hoang tưởng: Trẻ luôn nghĩ rằng mọi cái với mình đều có thể. Dần dần, nó sẽ trở thành "ông tướng" trong nhà.

 

Ảnh minh họa.


Nhiều cuộc điều tra khẳng định, ngày càng nhiều ông bố bà mẹ phải đón nhận sự bực dọc, tính hung hăng, khiêu khích hay gây gổ của những cô cậu “bạo chúa” trong nhà.

Khi nói chuyện về vấn đề này, chị Thủy ở một khu tập thể ven đô, có cậu con trai lên 3, kể lại: Lúc con nhỏ, mỗi lần nghe cháu khóc, vợ chồng chị thương con đến buốt ruột, đành cho bé vào ngủ cùng. Cho đến bây giờ, đã lên 3 tuổi, cu Bi nhà chị luôn luôn đòi hỏi: 3 giờ sáng, khi cả nhà đang ngủ, Bi vùng dậy và kêu đói, ăn xong mì tôm lại đòi ăn bánh ga-tô, sau đó lại đòi mẹ đọc truyện cổ tích cho nghe, nghe xong chuyện lại đòi nghe hát...

"Biết là phi lý nhưng đành chịu vì mỗi khi tôi từ chối thì cu cậu lại bắt đầu lăn ra nền nhà và gào lên khóc làm cả nhà mất ngủ. Thế là vợ chồng tôi thức luôn cho đến sáng”, chị Thủy buồn rầu nói.

Theo các nhà tâm lý học, việc không bao giờ từ chối con cái của bố mẹ khiến chúng dễ làm vương làm tướng trong nhà. Mỗi lần đòi hỏi không thấy bố mẹ phản đối, chúng lại được đà lấn tới trong những lần sau. Cứ như vậy, trẻ rơi vào vòng xoáy của những đòi hỏi và yêu cầu.

Thực tế cho thấy, những trẻ khi còn nhỏ làm vua trong nhà thì khi lớn lên ra ngoài xã hội thường ít thành đạt hơn. Điều đó hoàn toàn không phi lý chút nào. Luôn đặt cái tôi lên hàng đầu, sai khiến người khác làm theo ý mình, trẻ sống ích kỷ và khép mình trong vỏ kén, bị cô lập trong tập thể.

Nguy hiểm hơn nữa, có những trẻ còn lâm vào tình trạng trầm cảm rồi lao vào con đường của tệ nạn xã hội như rượu chè, nghiện hút. Vì vậy, để cứu con mình, không còn cách nào khác là chính bạn phải cần cẩn trọng hơn trong cách nuôi dạy con cái ngay từ bây giờ càng sớm càng tốt. Khi mới lên 3, 4 tuổi, bạn còn có hy vọng thay đổi được tính tình của con chứ khi đã lên 5 hay 8 tuổi thì thật khó lắm thay.

 

Vợ chồng phải thống nhất trong cách nuôi dạy con; nếu bố hoặc mẹ vẫn một mực đứng về phía con, khăng khăng bênh vực con thì sự dạy dỗ không bao giờ thành công. Con bạn vẫn giữ nguyên mãi thói lộng hành của một ông tướng, bà tướng trong nhà.

Chiều con là đúng, nhưng cần phải có giới hạn. Chiều con tùy từng cái. Có những việc hết sức phi lý thì cả bố lẫn mẹ đều không nên làm theo ý muốn của con trẻ. Chị Tâm, nhân viên một ngân hàng liên doanh trong thành phố, nói: “Mỗi khi tôi phản đối hoặc không làm theo ý muốn của Tuấn, cu cậu đều lăn ra nhà làm mình làm mẩy và khóc cả tiếng đồng hồ”. Không chỉ thế, cậu còn vứt hết cả sổ sách ở mặt bàn của mẹ xuống sàn nhà.

Gặp tình huống như thế, bạn không cần lo lắng. Cứ mặc kệ, không cần dỗ dành. Sau một vài lần, bạn sẽ thấy dấu hiệu khả quan ngay. Cần tuyên bố rõ ràng trước mọi thành viên trong gia đình, hoặc bạn hoặc chồng bạn là người có quyền được đưa ra những quy định trong nhà như: giờ giấc ăn cơm hay đi ngủ. Vô hình trung, con bạn dần dần sẽ phải theo người có quyền trong nhà vì thấy rằng lời nói của mình không có trọng lượng nữa.

Bạn nên nhớ rằng đây không phải là lúc bạn cấm con một cách hoàn toàn. Với mỗi sự cho phép nên kèm theo một điều kiện nào đó, ví dụ như: mẹ đồng ý cho con xem vô tuyến nhưng trước hết là con phải làm xong bài tập trên lớp đã. Có thể trong một vài lần đầu, con bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì điều kiện của bạn đề ra và từ chối. Lúc đó bạn đừng tỏ ra thương hại mà buông xuôi điều kiện hết sức cần thiết kia. Còn nếu khi con bạn không muốn dọn dẹp phòng ngủ, không cần phải dọa nạt nhiều, bạn hãy tịch thu ngay cuốn băng mà con bạn đang xem dở.

Mỗi lần con bạn phản đối, bạn không cần phải tranh cãi với con nhiều lời mà nên nhắc lại cho con thấy được những quy định bạn đã đề ra và bắt buộc con bạn làm theo.

Nguyễn Thị Loan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh