THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:27

Đầu năm học mới, phụ huynh cần cảnh giác với dịch sởi rình rập trẻ

 

Khi chăm sóc trẻ, các phụ huynh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

 

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước có 1.553 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 744 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sởi, có một trường hợp tử vong do sởi tại tỉnh Hưng Yên - theo báo Hải quan.

Những ngày gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục ghi nhận hàng chục ca trẻ mắc bệnh sởi nhập viện.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, tại Hà Nội đã ghi nhận các ca mắc sởi tại hầu hết các quận, huyện, thị xã; 90% người mắc sởi chưa tiêm vắc xin và nhiều trường hợp dưới 1 tuổi. Ông cho biết, đây đang là thời điểm năm học mới bắt đầu, nguy cơ trẻ mắc bệnh lây lan cho trẻ khác rất lớn nên các bậc phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe của con em mình, nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ cần cho trẻ nghỉ học đi kiểm tra sức khỏe.

Từ đầu năm 2018 đến nay, khoa Nhi, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rải rác khoảng 40 trường hợp mắc sởi nặng. Trong số các bệnh nhân nhập viện, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi.

Ghi nhận thực tế từ số trẻ mắc sởi thời gian qua cho thấy, số ca mắc sởi năm 2018 nặng hơn những năm trước, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy...

Để phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ, Cục Y tế dự phòng cho biết, ở nước ta, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh nên chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi chăm sóc trẻ, các phụ huynh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc con và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho bé.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Cũng theo các chuyên gia y tế, trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ bệnh sởi và người nghi bị. Trẻ mắc sởi nhẹ có thể chăm sóc tại gia đình nhưng phải theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ khám bệnh cho trẻ, không được chủ quan. Khi thấy có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.

T.H (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh