CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:56

Đau lòng vụ tranh chấp tiền thờ cúng Mẹ Việt Nam anh hùng

 

Cháu kiện chú ra tòa

Ông Nguyễn Bá Luật (SN 1965, ngụ thôn Phú Khánh, xã Liên Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, bà nội ông là cụ Đặng Thị Sản (không rõ năm sinh, mất năm 1955) sinh được ba người con trai là Nguyễn Bá T. (SN 1944, đi bộ đội hy sinh năm 1972, bố ông Luật), Nguyễn Bá S. (SN 1947, đi bộ đội hy sinh năm 1968, không có vợ con) và Nguyễn Bá Dần (SN 1952, đang sinh sống cùng gia đình ở thôn Phú Khánh). 
Một năm sau khi vợ mất, ông nội ông Luật lấy thêm vợ kế, sinh thêm ba người con. Năm 2014, sau khi chết được 59 năm, mẹ Sản được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thân nhân được hưởng trợ cấp một lần với số tiền hơn 42 triệu đồng. 
Nhiều thành viên gia đình không đồng ý với cách chia tiền trợ cấp của người chú
Ông Dần cho rằng mình là con đẻ duy nhất còn sống của bà Sản nên được sở hữu toàn bộ số tiền trợ cấp. Mâu thuẫn gia đình xảy ra. Người cháu tên Luật cho biết, khi Nhà nước có ra quyết định truy tặng bà nội mình danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh Hùng, người chú tổ chức họp gia đình lấy ý kiến. Kết thúc buổi họp, đại diện gia đình gồm 5 người ký giấy ủy quyền chấp thuận người chú thực hiện các thủ tục để mẹ Sản được truy tặng. 
Đến giữa tháng 6/2014, mẹ Sản chính thức được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu. Không lâu sau, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ra Quyết định về việc trợ cấp một lần đối với đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng bà mẹ được truy tặng danh hiệu. Người chú hai lần đến UBND xã nhận tiền từ quyết định này, đợt một ngày 21/7/2014, nhận 24,4 triệu đồng; đợt hai ngày 11/8/2014, nhận 17,8 triệu đồng. 
Sau khi nhận tiền về, người chú chia cho ông Nguyễn Bá Dậu (SN 1957, con cả mẹ kế) 6,1 triệu đồng vì có công thờ cúng mẹ kế; chia cho chị dâu (vợ liệt sỹ Tân) là bà Nguyễn Thị Phú 6,1 triệu đồng nhưng bà Phú không đồng ý nhận. Số tiền còn lại người chú giữ. 
Năm thành viên đại diện gia đình cho rằng cách chia tiền trợ cấp như vậy là không công bằng, nên chia đều cho cả 5. Đồng thời cho rằng bằng khen truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng treo ở nhà người chú là không hợp lí, nên treo ở nhà người cháu (vì bố ông Luật là liệt sĩ Tân, con cả mẹ Việt Nam anh hùng, trong khi ông Dần là con thứ ba).
Gia đình không tự dàn xếp được mâu thuẫn, sự việc được đưa ra thôn, xã hòa giải nhưng bất thành. Thay mặt gia đình, người cháu làm đơn kiện người chú ra Tòa án nhân dân huyện Lập Thạch đòi chia tài sản trợ cấp. Lần này, người cháu đòi chia đôi tài sản với lí do: Người chú là con Mẹ Việt Nam anh hùng nên được hưởng, còn bản thân ông được hưởng từ quyền thừa kế bố mình (tức liệt sĩ Tân); liệt sĩ hy sinh khi chưa lấy vợ, nay không có con nên không có người thừa kế. 
Tuy nhiên lập luận này của ông Luật bị tòa án bác bỏ. Tòa cho rằng ông Dần là con đẻ  duy nhất còn sống của mẹ Việt Nam anh hùng nên được hưởng toàn bộ trợ cấp. Ông Luật chỉ là cháu nên không được hưởng. Ông Luật và gia đình cho rằng cách giải quyết này của tòa án không thỏa đáng.
Vì luật quy định không cụ thể?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Nghị định số 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/5/2013, Điều 3 quy định: “Bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì thân nhân thờ cúng bà mẹ được nhận Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng”.
Như vậy, quy định hiện hành chưa nói rõ cụ thể người nào trong gia đình được hưởng chế độ trợ cấp khi người nhà được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà chỉ ghi chung chung bằng cụm từ “thân nhân thờ cúng”. “Thân nhân thờ cúng” là con, cháu hay anh, em không được quy định cụ thể. (Vì trên thực tế, có thể người thờ cúng chưa chắc đã là con đẻ hay cháu  ruột).
Ông Luật muốn được chia đôi tiền thờ cúng bà nội với người chú
Chính vì vậy, trong trường hợp trên, ông Dần cho mình là người có quyền hưởng hết trợ cấp vì là con trai còn sống duy nhất của mẹ. Trong khi đó, bà Phú cho rằng mình là con dâu của mẹ, đồng thời là vợ liệt sỹ, có công thờ cúng mẹ nên được hưởng trợ cấp. Tương tự, ông Luật cũng cho rằng mình là “thân nhân” vì là cháu của Mẹ Việt Nam anh hùng, con trai liệt sỹ.
Do quy định chưa cụ thể, trong khi họ hàng không “chín bỏ làm mười” dàn xếp được với nhau, nên xảy ra tình trạng gia đình ông Luật mâu thuẫn. Hiện nay, người chú được cho là bị cô lập, không tiếp xúc với ai trong gia đình, lại mang tiếng là “tham lam”. Trong khi đó, những thành viên còn lại tỏ ra ấm ức vì không được chia tiền trợ cấp. Bên nào cũng giữ lí lẽ riêng của mình.
“Do chồng tôi hy sinh mà mẹ được truy tặng danh hiệu mẹ anh hùng. Tôi là dâu trưởng, thờ cúng tổ tiên nhiều năm nay, vậy mà khi có chế độ thì lại không được hưởng. Thiệt cho tôi quá”, mẹ ông Luật tâm sự.
Ông Hà Văn Vụ, Trưởng thôn Phú Khánh cho biết, khi sự việc được đưa ra thôn, xã hòa giải, tinh thần chung của lãnh đạo địa phương mong muốn gia đình dàn xếp ổn thỏa, tránh gây mất đoàn kết. Ý kiến chung của địa phương là tiền trợ cấp được chia đều nhưng không được người chú chấp thuận.
Mọi người trong gia đình đều ấm ức với nhau vì tiền thờ cúng Mẹ VNAH!

Một thành viên trong gia đình cho biết: “Khi mẹ chưa được truy tặng mẹ anh hùng thì mọi người đoàn kết thương yêu nhau, được vinh danh rồi thì lại xảy ra mất đoàn kết”. 
Dư luận địa phương đa phần nghiêng về phương án chia đều tiền để giữ đoàn kết gia đình, tránh gây tổn hại đến tổ tiên. “Chỉ vì mấy triệu đồng mà mất tình cảm anh em thật là không đáng. Tổ tiên dưới suối vàng chắc chắn chẳng thể vui”, một người địa phương nhận xét.

PV (Theo PLO)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh