Dầu lậu từ lãnh địa IS chảy sang Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?
- Tây Y
- 14:28 - 29/11/2015
Khu vực sản xuất dầu mỏ chính của IS nằm tại tỉnh Deir Ezzor ở phía đông Syria, với sản lượng khoảng 34.000 – 40.000 thùng/ngày, cư dân địa phương cho biết. Nhóm này hiện cũng kiểm soát mỏ Qayyara, gần thành phố Mosul miền bắc Iraq, có công suất 8000 thùng/ngày. Dù vậy dầu tại mỏ Qayyara chủ yếu là dầu nặng, sử dụng tại địa phương để sản xuất bê tông nhựa asphalt.
Việc xác định chính xác lượng dầu IS sản xuất được tại các khu vực nhóm này kiểm soát là khó khăn, nhưng có thể chắc chắn sản lượng tại các mỏ của Syria đã giảm sau khi rơi vào tay IS.
Hầu hết các mỏ trong khu vực này đều đã khai thác lâu năm, nên cho dù IS đã nỗ lực tuyển mộ nhiều công nhân có tay nghề, chúng không có công nghệ hoặc thiết bị cần thiết để duy trì. Dù vậy, đây vẫn là nguồn thu chính của nhóm Hồi giáo cực đoan này.
Giá dầu được bán tùy thuộc vào chất lượng. Một số mỏ chỉ cho ra loại dầu có giá 25 USD/thùng. Những mỏ khác, ví dụ như Omar - một trong những mỏ lớn nhất Syria - thu về 45 USD/thùng. Ước tính trung bình mỗi ngày IS kiếm được 1,53 triệu USD từ bán dầu.
Bán dầu thô
Dù nhiều người tin rằng IS có được thu nhập chủ yếu từ xuất khẩu dầu mỏ, theo Financial Times, trên thực tế nhóm này thu lời từ các thị trường tại Syria, gần khu vực phe đối lập kiểm soát tại miền bắc Syria, và tại ngay lãnh địa của IS ở Syria và Iraq.
Hầu hết dầu thô được IS bán thẳng cho những lái buôn độc lập tại mỏ. Việc bán dầu được tổ chức bài bản, và những người mua đến từ Iraq hoặc Syria thường đánh xe bồn tới và đậu xếp hàng nhiều tuần bên ngoài các giếng dầu.
Lọc dầu
Người mua dầu có nhiều lựa chọn sau khi nhận được dầu thô tại các mỏ. Họ có thể đưa tới các cơ sở lọc dầu gần đó, chuyển hàng xuống và sau đó trở lại xếp hàng mua thêm dầu thô tại mỏ. Hoạt động này thường do những người mua có hợp đồng ký sẵn với nhà máy lọc dầu thực hiện.
Cách thứ hai đó là bán sang tay dầu thô cho các phương tiện nhỏ hơn, những người sẽ chở dầu tới khu vực của phe đối lập ở miền bắc Syria, hoặc sang Iraq.
Những ai muốn kiếm lời nhiều hơn có thể tìm cách bán cho một nhà máy lọc dầu hoặc đem về bán tại một chợ dầu địa phương. Chợ lớn nhất nằm gần khu vực al-Qaim, trên biên giới Syria - Iraq.
Dù vậy, hầu hết lái buôn sẽ bán sang tay dầu thô ngay lập tức để trở lại xếp hàng tại mỏ. Họ có thể thu lợi ít nhất khoảng 10 USD/thùng.
Hầu hết các nhà máy lọc dầu nằm trong lãnh địa IS kiểm soát. Một số ít khác nằm trong khu vực của phe đối lập có chất lượng lọc dầu thấp hơn. Thành phẩm của quá trình lọc dầu là xăng và dầu ma dút, có thể dùng cho máy phát điện. Do chất lượng xăng không đồng đều và có giá cao hơn, nhu cầu mua dầu ma dút luôn vượt trội.
Quá trình lọc dầu do người dân địa phương thực hiện, bằng những hệ thống lọc thô sơ do họ tự thiết kế, sau khi các cơ sở lọc dầu “lưu động” của IS bị phá hủy trong các cuộc không kích.
Những tháng gần đây, có dấu hiệu cho thấy IS có thể trở lại với hoạt động lọc dầu. Trong các cuộc phỏng vấn với các thương lái, Financial Times cho biết IS gần đây đã mua 5 cơ sở lọc dầu.
Tại các cơ sở lọc dầu IS chiếm giữ, chủ cũ vẫn được sử dụng như một người đại diện. Nhóm này sẽ cung cấp dầu thô và thu lại toàn bộ dầu ma dút sau khi lọc. Lợi nhuận từ việc bán xăng sẽ được chia lại cho người chủ cũ.
Các lái buôn cho biết, IS có những xe bồn riêng để chở dầu thô từ các mỏ tới nhà máy lọc dầu. Nhóm này cũng có vẻ đã giành lại nhiều hợp đồng trước đây với các cơ sở bên ngoài và các nhà máy lọc dầu khác.
Đưa ra thị trường
Sau khi được lọc, dầu sẽ được được lái buôn mua lại hoặc được chính những người chở dầu thô tới vận chuyển tới thị trường khắp Syria và Iraq. Hiện tại, IS hầu như ngừng toàn bộ hoạt động buôn bán dầu,Financial Times cho biết. Khoảng một nửa sản lượng được chuyển tới Iraq, nửa còn lại được tiêu thụ tại Syria, trong khu vực nhóm này chiếm đóng hoặc ở miền bắc, nơi quân nổi dậy làm chủ.
Các khu chợ nhiên liệu mọc lên khắp nơi, thường nằm gần các cơ sở lọc dầu. Hầu như thị trấn nào cũng có một chợ nhiên liệu nhỏ để người địa phương mua bán. Lái buôn thường mua dầu khối lượng lớn từ những đầu mối lớn hơn về bán lại tại những chợ nhỏ này.
Tại Iraq, IS kiểm soát những khu chợ lớn tại Manbij và al-Bab, ngoại ô phía đông thành phố Aleppo. Lái buôn tại đây phải xuất trình giấy tờ, chứng minh họ đã trả thuế để được phép mua dầu mà không chịu thêm thuế. Lái buôn từ khu vực phe đối lập tại Syria kiểm soát chưa nộp thuế này sẽ bị đánh thuế ở mức tương đương 0,67 USD/thùng.
Một số khu chợ tư nhân cũng đánh thuế. Chợ Al-Qaim, một trong những chợ lớn nhất khu vực, đánh thuế người mua và người bán ở mức 0,3 USD/thùng dầu thô.
Tại các khu vực IS kiểm soát, ví dụ như thành phố Mosul, xăng dầu được bán tại những cây xăng mini, với 2 cột bơm. Những cây xăng như vậy có mặt nhan nhản khắp nơi tại Mosul, và người địa phương gọi tên loại dầu theo địa danh chúng được khai thác. Căn cứ vào đó người mua có thể biết được chất lượng dầu và so sánh giá.
Buôn lậu sang Thổ Nhĩ Kỳ
Tại khu vực các tay súng chống chính phủ Syria chiếm đóng, có hai loại nhiên liệu được bán: loại có giá cao hơn được lọc tại lãnh địa của IS, và loại lọc tại địa phương có giá bán thấp hơn. Người địa phương thường mua cả hai loại, và dùng loại rẻ hơn cho máy phát điện, còn dành loại đắt hơn để chạy xe.
Với việc IS chỉ quan tâm đến kiếm lời “tại cột bơm”, việc tuồn dầu lậu sang các quốc gia láng giềng đem về lợi nhuận cao cho lái buôn người Syria và Iraq. Những người buôn lậu dầu Syria cho biết, những tháng gần đây doanh thu của họ đang giảm, không phải vì biên giới bị kiểm soát chặt hơn, mà do giá dầu thế giới hạ.
Hầu hết dầu được buôn lậu từ khu vực chính phủ Syria kiểm soát sẽ “chảy” sang khu vực của phe đối lập tại phía tây bắc. Người dân địa phương mua chúng tại cá khu chợ, đổ vào can nhựa và vận chuyển qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ, bằng ngựa, lừa hoặc mang vác.
Tại Iraq, phần lớn dầu lậu hiện không thể tuồn qua khu vực của người Kurd tại phía bắc. Do đó, người địa phương chuyển sang tuyến đường mới qua tỉnh Anbar để vào Jordan.
Khi giá dầu cao, các tay buôn lậu sẽ bơm dầu vào các can lớn (50 - 60lít) và đưa xuống các xuồng, cano để chở qua sông sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đôi khi họ chỉ cần dùng dây thừng buộc những can này lại thành mảng và kéo qua sông, sang bên kia biên giới. Ở bờ bên kia, máy cày đã đợi sẵn sẽ kéo hàng lên và chuyển tới một khu chợ địa phương. Tại những chợ này, hàng được tập kết lại và bán cho thương lái xếp lên các xe tải lớn tiếp tục vào sâu nội địa.
Một số thị trấn vùng biên giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt tay nhau đặt những ống chuyển dầu bằng cao su, đường kính nhỏ chạy xuyên biên giới. Một trong số đó là tại Besaslan. Những tháng gần đây, lực lượng tuần tra biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ thường đào bới và bóc gỡ những đường ống này.