Dấu hiệu nhận biết con đang sống rất tự ti, bố mẹ can thiệp ngay để tránh ảnh hưởng đến tương lai
- Bác sĩ
- 20:57 - 13/04/2020
Tự tin là gốc rễ của sự thành công. Hiểu một cách đơn giản, tự tin là việc tin vào bản thân, tin vào khả năng làm việc, khả năng suy nghĩ của mình. Sự tự tin sẽ giúp chúng ta quyết đoán trong chọn lựa, thêm nghị lực làm việc và tập trung vào mục tiêu ta đeo đuổi.
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ cần chú ý đến những cử chỉ, hành động, cảm xúc của con, để xác định xem có sự tự tin hay không. Nếu con có tâm lý tự ti, bố mẹ cần lưu tâm, giáo dục lại ngay lập tức. Bởi sự tự ti có thể khiến con trở nên e dè, không dám bày tỏ các quan điểm cá nhân hay phô bày năng lực của mình với mọi người. Từ đó con khó mà thành công trong công việc hay đời sống cá nhân sau này.
Theo các chuyên gia tâm lý, có 3 câu nói chứng tỏ con đang mang tâm lý tự ti. Cụ thể là 3 câu sau:
1. "Con không làm được"
Đứng trước bất kỳ hoạt đồng hay thử thách mới nào, con đều ngần ngại không muốn tham gia Thay vì một lần thử sức, con lại dè dặt từ chối: "Con không làm được". Câu nói này bộc lộ sự nhút nhát, e dè từ sâu trong nội tâm của con.
Sự tự ti này có thể bắt nguồn từ chính những hành động đơn giản của bố mẹ. Chẳng hạn khi con rót nước và làm vỡ cốc. Thay vì nhắc nhở con lần sau nên chú ý cẩn thận hơn, bố mẹ lại quát mắng và không cho con tự ý làm bất kỳ việc gì nữa. Những điều này dần dần khiến con hình thành tâm lý tự ti, nghĩ rằng mình kém cỏi nên bố mẹ mới không yê tâm giao việc gì cho mình.
Lời khuyên cho bố mẹ trong trường hợp này, đó là thay vì quát mắng và cấm đoán thì hãy chỉ cho con những lỗi sai rồi khuyến khích con làm lại cho đúng. Bố mẹ có thể đứng bên cạnh chỉ dẫn, quan sát con tự làm những điều mới. Những lời động viên của bố mẹ sẽ giúp con tự tin vào bản thân và xông xáo hơn trong các công việc tập thể.
2. "Con sợ sẽ trả lời sai"
Nhiều đứa trẻ khi đi học, tuy biết rõ đáp án câu hỏi mà giáo viên đưa ra nhưng lại nhút nhát không dám giơ tay phát biểu. Khi được hỏi, trẻ mới rụt rè trả lời: "Con sợ sẽ trả lời sai". Câu nói này cho thấy, trẻ đang rất tự ti và không tin tưởng vào năng lực của bản thân.
Khi con nói câu này, bố mẹ cần hết sức chú ý. Trẻ không dám phát biểu ý kiến cá nhân có thể do hàng ngày không được bố mẹ lắng nghe. Không ít bậc phụ huynh thường cho rằng: "Trẻ nhỏ biết gì mà nói", từ đó gạt bỏ quan điểm, ý kiến của con trong mọi chuyện. Chính điều này khiến con dần trở nên ngại nói và sợ nói.
Để khắc phục điều này, bố mẹ cần tích cực lắng nghe ý kiến của con, cho con quyền thể hiện cảm xúc, quan điểm của mình. Đừng ngắt lời con trong mỗi cuộc trò chuyện. Thay vào đó, bố mẹ hãy khuyến khích con thể hiện ý kiến của mình.
3. "Con là giỏi nhất"
Một số bậc cha mẹ thường hay so sánh con mình với con nhà người ta như : "Bạn A học giỏi hơn con", "Bạn B ngoan ngoãn hơn con". Sự so sánh kéo dài trong một thời gian khiến con bị ức chế tâm lý, hình thành sự tự ti trong mọi suy nghĩ và hành động. Con luôn mang mặc cảm mình kém cỏi, thua xa bạn bè đồng trang lứa.
Trong một số trường hợp, con có thể gạt bỏ so sánh của bố mẹ bằng cách tuyên bố: "Không phải! Con là giỏi nhất". Bố mẹ khi nghe câu nói này đừng lầm tưởng con mình rất tự tin. Thực chất, đây cũng là một câu nói phản ánh sự tự ti, tủi thân sâu xa trong lòng con. Bởi trong trường hợp tự tin thực sự, trẻ sẽ không cần lớn giọng nói ra miệng theo cách đó.
Điều tốt nhất bố mẹ cần làm, đó là bỏ ngay thói quen so sánh con với những đứa trẻ khác. Đồng thời bố mẹ hãy khích lệ sự tự tin của con, bằng cách chỉ cho con thấy, chỉ cần cố gắng con cũng có thể đạt được những thành tích tốt trong học tập.