THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:42

Đầu hè, dân lại lo tiền điện “nhảy múa”

 

Tuy nhiên nhiều người không đồng tình với lập luận này, khi chứng minh rằng họ không lắp điều hòa, thậm chí đi du lịch tới nửa tháng nhưng tiền điện vẫn tăng gấp đôi, gấp ba.

Những tờ hóa đơn “nhảy múa”

Đúng dịp đầu hè năm 2015, nhiều hộ dân đã phát hoảng khi nhận tờ hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 5 cao một cách bất thường. Cụ thể có những phản ánh của bạn đọc gửi Lao Động chia sẻ rằng ở thời điểm tháng 4/2015, họ chỉ dùng 297 kwh, tiền điện phải trả là gần 600.000 đồng đến tháng 5 cũng chỉ 308kwh, với số tiền phải trả là 630.000 đồng, nhưng đến hóa đơn tháng 6 cả nhà mới “ngã ngửa”, khi phải trả tới 1,8 triệu đồng, tức là gấp 3 lần bình thường. Hay một khách hàng khác từ quận Đống Đa (Hà Nội) phản ánh: Tháng 5/2015, họ chỉ phải trả 2,5 triệu cho 982kwh, nhưng sang tháng sau số tiền điện vọt lên 4 triệu đồng cho 1.526kwh.

Dịp đầu hè năm 2015, EVN Hà Nội đã phải tiếp nhận cả chục ngàn khiếu nại về hóa đơn tiền tiện. Sau đó lời giải thích duy nhất từ EVN chỉ là “do thời tiết nắng nóng, người dân dùng thiết bị điện nhiều hơn, đặc biệt là tăng thời gian dùng điều hòa”. Tuy nhiên nhiều người không đồng tình với lập luận này khi chứng minh rằng họ không lắp điều hòa, thậm chí đi du lịch tới nửa tháng nhưng tiền điện vẫn tăng gấp đôi, gấp ba.

“Cách tính tiền điện đã bị làm biến tướng bằng cách cộng dồn số điện từ tháng trước sang tháng sau. Tháng sau ấy khi điện tăng giá thì tiền điện cuối tháng cũng đột ngột lên cao luôn vì EVN tính tiền theo bậc thang luỹ tiến. Với cách tính tiền điện hiện nay: Chẳng hạn một gia đình tháng 4 sử dụng 400 số điện, tháng 5 sử dụng 500 số (do trời nóng dùng nhiều điều hòa). Khi đó tháng 4 các anh thu tiền điện chỉ ghi công tơ 300 số, 100 số còn lại đẩy qua tháng 5 thành 600 số. Do cách tính lũy tiến nên số điện thực tế dùng không đổi nhưng số tiền người dân phải đóng cho EVN đắt hơn nhiều và tiền điện tháng 5 gấp đôi tháng 4 thậm chí hơn là điều dễ hiểu”. Nhiều người đồng tình với ý kiến này bất chấp phía EVN khẳng định là không có chuyện “cộng dồn” gây thiệt hại cho khách hàng.

Hồi tháng 4/2016, khi EVN Hà Nội “bất ngờ” đưa ra cảnh báo “thời tiết nắng nóng đầu hè năm nay được cơ quan dự báo thời tiết dự báo sẽ ở mức gay gắt hơn và kéo dài hơn so với trung bình các năm trước do tác động của hiện tượng El Nino. Điều này dẫn đến mức tiêu thụ điện năng của các hộ gia đình sẽ cao hơn và hoá đơn trả tiền điện sẽ cao hơn các tháng trước”. Chính cảnh báo này của EVN Hà Nội lại khiến nhiều người lo lắng và cho rằng, EVN Hà Nội đưa ra cảnh báo để người dân đỡ “sốc” nếu nhận được hóa đơn các tháng 5 - 6 cao bất thường như những năm trước.

Đến hè, người dân lại lo hóa đơn tiền điện tăng vọt.

 

Trong khi đó, anh Sỹ Long, ở quận Cầu Giấy cũng tỏ ra lo lắng khi nhận tờ hóa đơn tiền điện tháng 5 “bỗng nhiên” thấy bất thường. Anh Long nói: “Nhà tôi mỗi tháng dùng khoảng 1,2 - 1,4 triệu tiền điện. Tuy nhiên tiền điện tháng 5 bỗng nhiên chỉ còn hơn 700 ngàn trong khi vẫn sử dụng từng đó thiết bị điện, thậm chí thời gian dùng điều hòa nhiều hơn. Tôi lại sợ rằng có chuyện “cộng dồn số” vào tháng sau để rồi phải nhận hóa đơn rất “khủng” như đã bị dính năm ngoái. Chính vì thế tôi đã lưu tờ hóa đơn này lại”.

EVN khẳng định giá điện sẽ không tăng

Trong khi đó, ngày 17/5/2016, EVN đưa ra thông báo về giá điện bán buôn 2016. Theo đó, Bộ Công Thương ban hành quyết định về khung giá bán buôn điện EVN cho các tổng công ty điện lực, EVN sẽ ban hành giá bán buôn điện cụ thể cho các tổng công ty điện lực trong giới hạn đã được Bộ Công Thương cho phép và báo cáo Bộ Công Thương.

Khung giá bán buôn điện bình quân của EVN trong năm 2016 tăng từ 2-5% so với mức đang áp dụng của năm 2015. Thời gian áp dụng khung giá bán buôn điện là từ ngày 1/1 - 31/12/2016.

Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định, mức giá bán buôn điện của EVN bán cho các TCty điện lực năm 2016 là giá nội bộ trong EVN để các đơn vị thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương nhằm tăng tính công khai, minh bạch thông tin trong quản lý, điều hành giá điện và không làm thay đổi giá bán điện cho khách hàng đang được áp dụng. Hiện nay EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016.

Về những nghi ngại của nhiều người dân về khả năng những hóa đơn điện lại tăng vọt trong những tháng đầu hè, EVN Hà Nội khẳng định sẽ quản lý chặt việc ghi số, đồng thời kêu gọi người dân tham gia giám sát.

Từ năm 2015, EVN Hà Nội đã dùng hệ thống tin nhắn để gửi thông tin cho khách hàng về thời gian ghi côngtơ điện của gia đình. Trao đổi với Lao Động, bà Thu Minh, Phó giám đốc Cty điện lực Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi gửi tin nhắn đến từng người dân về thời gian, chỉ số côngtơ để người dân giám sát. Ngày 15 hằng tháng công nhân ghi số sẽ phải làm việc và chốt số, bất kể là chủ nhật. Đây chính là cách để công khai, minh bạch trong việc ghi số điện mà người dân từng có lúc bức xúc thời gian qua”.

Còn ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN khẳng định, sẽ không có việc tăng giá điện bất thường như đã xảy ra mùa hè năm trước bởi 2 yếu tố. Thứ nhất năm nay, đã tới tháng 5 nhưng thời tiết vẫn khá ôn hòa, chưa vào cao điểm nắng nóng, nhất là khu vực phía bắc, thứ 2, các yếu tố cấu thành giá điện tăng (giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu sản lượng điện phát) cũng chưa xuất hiện. Nguyên nhân ngành điện tính cộng dồn số điện từ tháng này sang tháng sau cũng bị loại trừ vì theo ông Dũng, hiện việc ghi chữ (ghi chỉ số côngtơ), thu tiền điện được EVN thực hiện theo các quy định hiện hành, nhân viên ngành điện thông thường sẽ ghi chỉ số côngtơ điện hằng tháng một lần vào ngày ấn định, chỉ cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số côngtơ trước hoặc sau một ngày. Vì vậy sẽ không có chuyện cộng dồn, hoặc chuyển số điện sử dụng từ tháng trước sang tháng sau, hoặc ngược lại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh