CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:45

Đau đầu vì “Không có nhu cầu mà ngày nào cũng hàng chục cuộc từ Bắc vào Nam”

Mới đây, Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 đã có những quy định chặt chẽ và chế tài nặng hơn cho các hành vi gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo đến số điện thoại của người dùng khi chưa được sự đồng ý.

Người dân phiền toái khi tin nhắn, cuộc gọi rác “bủa vây”. Thực hiện: Kingpro

Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện các cuộc điện thoại, nhắn tin quảng cáo khi chưa đạt được thỏa thuận với người dùng, hoặc gửi vào số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo, gọi điện gửi tin nhắn quảng cáo không đúng quy định… thì mức xử phạt có thể từ 5 - 100 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi liên quan đến vấn đề trên, đa số người dân đều bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ với Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Người dân đau đầu vì những cuộc gọi quảng cáo BĐS: “Không có nhu cầu mà ngày nào cũng hàng chục cuộc từ Bắc vào Nam” - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Theo anh Lê Tiến Dũng (43 tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, anh hoàn toàn ủng hộ Nghị định mới của Chính phủ quy định về việc siết chặt quảng cáo bất động sản qua tin nhắn, cuộc gọi di động.

"Cấm các nhân viên gọi điện thoại là hoàn toàn đúng, vì các nhân viên này cứ thấy số là gọi. Có ngày tôi bị các nhân viên gọi giới thiệu bất động sản từ Miền Bắc đến Miền Nam gọi hàng chục cuộc nhưng bản thân thì không có nhu cầu mua hay biết đến vấn đề này.

Người dân đau đầu vì những cuộc gọi quảng cáo BĐS: “Không có nhu cầu mà ngày nào cũng hàng chục cuộc từ Bắc vào Nam” - Ảnh 3.

Nhiều người dân tỏ ra bức xúc khi bị làm phiền bởi những quảng cáo bất động sản không mong muốn. (Ảnh minh hoạ).

Không chỉ có vậy, nhiều lúc hết nhân viên này lại đến nhân viên khác trong cùng một công ty gọi. Bị gọi nhiều, có lúc mình phản ứng và hỏi tại sao gọi nhiều thế, các nhân viên này nói: "Thấy số và để lại số là gọi thôi", nhưng tôi không để lại số", anh Dũng bức xúc nói.

Không chỉ nhân viên văn phòng, những tài xế xe ôm công nghệ dù đang mưu sinh, chở khách cũng bất đắc dĩ phải nghe những cuộc gọi chào mời vay ngân hàng, mua bảo hiểm, quảng cáo dự án đất nền...

Người dân đau đầu vì những cuộc gọi quảng cáo BĐS: “Không có nhu cầu mà ngày nào cũng hàng chục cuộc từ Bắc vào Nam” - Ảnh 4.

Các bác tài công nghệ cũng không nằm ngoài danh sách nhận tin nhắn/ cuộc gọi quảng cáo.

Cũng trong tình trạng đau đầu vì liên tiếp phải nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo bất động sản mà bản thân không còn nhu cầu, anh Lê Ngọc Phong (SN 1989, trú tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ đối với Nghị định mới nêu trên của Chính phủ.

"Vào năm 2017 tôi có nhu cầu mua nhà, nên khi đó tôi có đi tìm hiểu thông tin để mua. Tuy nhiên khi tìm hiểu dự án thì tôi phải điền số điện thoại cá nhân, gmail để nhận tư vấn.

Tôi không muốn để lộ số điện thoại vì lo ngại bị làm phiền nên điền số điện thoại giả và gmail thật nhưng lúc này họ không gửi thông tin qua gmail cho tôi.

Nếu ấn đồng ý đăng ký thông tin dự án bằng điện thoại, thì hệ thống của họ sẽ tự điền số điện thoại của mình vào. Tôi xoá đi rồi điền số điện thoại giả nhưng họ vẫn gọi được vào số thật của mình, tôi cũng không hiểu họ làm kiểu gì để lấy được số điện thoại của tôi", anh Phong tâm sự.


Người dân đau đầu vì những cuộc gọi quảng cáo BĐS: “Không có nhu cầu mà ngày nào cũng hàng chục cuộc từ Bắc vào Nam” - Ảnh 5.

Một số người không hiểu vì sao các công ty BĐS, bảo hiểm lại có được thông tin của mình để "khủng bố" mỗi ngày như vậy.

Bạn Hường, 24 tuổi ở Hà Nội chia sẻ: "Mình nghĩ để có được số điện thoại của mình, họ đã có được dữ liệu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Mình mong muốn có biện pháp cải thiện để đảm bảo thông tin của khách hàng"

Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP (bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020) sẽ xử lý mạnh tay đối với tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác như trên. Cụ thể, lần đầu tiên quy định về xử phạt đối với các vi phạm sau đây:

Thứ nhất, gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng; gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Thứ hai, thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; không có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo; không cung cấp cho người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn đăng ký quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Thứ ba, gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Thứ tư, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Long Quyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh