THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:28

'Đặt cọc' 2 triệu đồng mới được đăng ký kết hôn

 

Ngày 26/10, anh Nguyễn Minh Đức, 24 tuổi, trú tại thôn Quang Trung, xã Thanh Hà và vợ sắp cưới là chị Nguyễn Thị Nhàn, 20 tuổi, trú tại tỉnh Nam Định tới UBND xã Thanh Hà để đăng ký kết hôn, nhưng bị cán bộ UBND xã từ chối. Lý do là hai người không chịu đóng 2 triệu tiền “đặt cọc” cho UBND xã.
“Cán bộ phụ trách tư pháp xã Thanh Hà nói là phải đóng 2 triệu và cam kết không đánh bạc, không đốt pháo ở đám cưới. Tôi hỏi thì họ nói đây là quy định do xã đặt ra, nếu trong đám cưới không vi phạm thì sẽ trả lại. Kiểm tra các quy định không thấy có điều này, cộng với việc tổ chức hôn lễ khá tốn kém, nên chúng tôi không đồng ý đặt cọc”, anh Đức nói.
Anh Đức cho biết, đã gặp Chủ tịch UBND xã Thanh Hà là ông Nguyễn Trung Kiên để trình bày và cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc đánh bạc, đốt pháo ở đám cưới nhưng cũng không được đồng ý. Quá bức xúc, anh Đức đã viết biên bản và yêu cầu UBND xã Thanh Hà trả lời vì sao mình không thể đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Trung Kiên lý giải: "Xã thu 2 triệu tiền "đặt cọc" là để phòng chống tệ nạn xã hội. Trước đây, tại các đám cưới trong xã có chuyện đánh bài, đốt pháo. Tháng 10/2013, Đảng bộ xã Thanh Hà đã có nghị quyết về việc này. Thực hiện nghị quyết, UBND xã đã có thông báo yêu cầu từ năm 2014, nam, nữ khi đăng ký kết hôn, xác nhận hôn nhân phải nộp số tiền 2 triệu đồng và cam kết trước, trong và sau đám hỏi, đám cưới, không được đốt pháo và đánh bạc. Nếu vi phạm, bị cơ quan chức năng lập biên bản thì số tiền này là tiền phạt vi phạm hành chính. Nếu không vi phạm thì trả lại cho gia đình”.
Ông Kiên thông tin và cho biết: "Từ khi triển khai ngày 1/1/2014, hầu hết người dân đều tuân thủ nên xã tiếp tục thực hiện, riêng anh Đức là trường hợp đầu tiên phản ứng”. Ông Kiên cũng cho biết, sẽ lấy ý kiến đóng góp của người dân, nếu dân không đồng tình, UBND xã sẽ điều chỉnh.
Khi được hỏi về “sáng kiến” này, một số lãnh đạo địa phương khác có cùng nhận định, có thể mục đích của việc đặt ra quy định là tốt, quá trình thực hiện có thể có hiệu quả nhất định nhưng xét cho cùng là vi phạm quy định của pháp luật. Nếu chỉ dừng lại ở hương ước làng, dòng họ thì còn có thể chấp nhận được, nhưng cứ để răn đe và phòng ngừa các vi phạm có nguy cơ xảy ra chẳng lẽ cần có thêm quy định “đặt cọc” cả với người muốn mua xe để không dám vi phạm giao thông?

 

Sáng 28/10, trao đổi với PV, ông Đinh Văn An, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, cho biết: “Về nguyên tắc thì xã Thanh Hà đã sai. Tuy nhiên, lãnh đạo xã khẳng định việc này được sự đồng thuận của dân, từ khi thực hiện thì việc đốt pháo, đánh bài ăn tiền tại các đám cưới giảm đi rõ rệt. Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay, nếu có việc o ép gây bức xúc cho người dân, chúng tôi sẽ chỉ đạo dừng việc này".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh