THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:21

Đào tạo nghề cho lao động miền núi: Muôn vàn thách thức

 

Chênh lệch cơ cấu nghề

Gian đoạn từ 2011 - 2016, toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho khoảng 78.000 lao động và quý I/2017 đã dạy nghề cho 1.035 lao động, trong đó trình độ sơ cấp nghề là 365 người, dạy nghề cho lao động nông thôn dưới 3 tháng là 570 người...

Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, vị trí địa lý, thành phần dân tộc và trình độ tiếp nhận khoa học thì đây là con số rất đáng mừng. Tuy nhiên, về khía cạnh cơ cấu nghề thì tỷ trọng cơ cấu lao động vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Hiện nay, lao động tham gia hoạt động kinh tế ở các ngành công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ mới đạt 31,2%, còn lại 68,8% lao động là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Một vài con số chứng minh như tại huyện Trạm Tấu, quý I/2017 huyện này đã mở được 4 lớp đào tạo nghề cho 120 học viên là lao động nông thôn và lao động thuộc hộ nghèo trong độ tuổi lao động với các nghề: Chăn nuôi thú y (30 học viên); kỹ thuật trồng nấm (30 học viên); bảo vệ thực vật (30 học viên); sửa chữa điện dân dụng (30 học viên) với hình thức đào tạo nghề ngắn hạn, tập trung (từ 1 đến 3 tháng). Hoặc như huyện Văn Chấn, huyện xác định năm 2017 sẽ đào tạo gần 3000 người, trong đó đào tạo nghề theo quyết định 1956 là 1200 người, nghề nông lâm thủy sản là trên 1000 và phi nông nghiệp chỉ có 200 người.


Đào tạo nghề công nghiệp, cơ khí ở miền núi vẫn còn hạn chế

 

Sự chênh lệch trong cơ cấu nghề như thế này sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội mà cụ thể như việc đầu tư của các doanh nghiệp gặp khó khăn khi nguồn nhân lực không đáp ứng đủ, quá trình xây dựng nông thôn mới chuyển biến chậm do cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Và theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, mỗi năm cơ cấu này mới chuyển dịch được khoảng 1%.

Đây sẽ là một khó khăn và thách thức lớn đối với công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động miền núi trong khi đó, Quyết định số 1600/QĐ - TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định giai đoạn 2016 - 2020 sẽ phải đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, trong đó có 1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp.

Bất cập kéo dài

Việc tăng cường nguồn lực đầu tư cho các cơ sở dạy nghề, làm tốt công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Tuy nhiên bên cạnh thành công là không ít thách thức và bất cập ở toàn khu vực miền núi của tỉnh như: thiếu cơ sở vật chất, người học không mặn mà, học nghề xong không được doanh nghiệp ghi nhận,…

Ông Triệu Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Minh An, huyện Văn Chấn nêu thực tế: Ở xã có nghề truyền thống là trồng chè và trồng cam nhưng người dân còn nặng về tập quán canh tác, sản xuất manh mún, tự cấp, tự túc. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa có chí hướng học nghề. “Nhiều lao động, nhất là dân tộc thiểu số, trình độ không đều, mặt khác là lao động chính cho nên việc tham gia học cũng như tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất”, ông Quý cho biết thêm.

Một thực tế nữa là việc phối hợp giữa công tác đào tạo nghề gắn với việc làm cho người lao động sau khi học nghề tại các doanh nghiệp chưa giải quyết được nhiều lao động. Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Văn Chấn, ở huyện xuất hiện tình trạng người lao động đã được đào tạo nghề may mặc, với họ khi bước vào công ty sẽ không mất thời gian đào tạo mà chỉ mất thời gian làm quen với việc. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp may mặc đã tuyển họ vào làm, sau đó yêu cầu họ làm việc theo cách là vừa làm vừa học nghề trong khoảng thời gian dài và được hỗ trợ mức lương rất thấp. “Chính vì vậy người lao động cho rằng, dù có học, có biết cặn kẽ về nghề sau khi học ở địa phương đi chăng nữa nhưng khi vào công ty sẽ phải học lại, cho nên họ không học ở địa phương nữa”, ông Lâm cho biết.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đồ dùng học tập, phương tiện trang bị cho công tác dạy nghề ở các huyện miền núi cũng chưa đáp ứng phù hợp cho từng lĩnh vục đào tạo. Một điều nữa là địa bàn rộng, đi lại khó khăn, có khi từ xã về huyện mất nửa ngày đường, gây nên chán nản cho người học. Trong khi đó kinh phí tổ chức còn thấp và sự phối hợp giữa các cơ sở dạy nghề với các xã thị trấn chưa chặt chẽ, các lớp mở lưu động tại xác xã, phân tán, không tập trung, giao thông không thuận tiện nên công tác quản lý, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Đây chính là những bất cập kéo dài khiến cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động miền núi, vùng cao chưa thực sự hiệu quả.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh