Đánh răng sạch sẽ 2 lần mỗi ngày nhưng miệng có mùi hôi, coi chừng nguyên nhân chính là 6 bệnh này
- Bác sĩ
- 03:02 - 08/10/2020
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều vấn đề nhỏ mà mọi người không để ý nhưng lại ảnh hưởng đến ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc với người khác. Một trong số đó điển hình nhất phải kể đến vấn đề hôi miệng.
Hôi miệng đối với nhiều người chỉ là do vấn đề vệ sinh răng miệng, không đáng để quan tâm quá nhiều. Để giảm bớt tình trạng này, họ chọn cách đánh răng nhiều lần và dùng thêm cả nước súc miệng. Thế nhưng, sau một thời gian mùi hôi vẫn không thuyên giảm, đó chính là biểu hiện trong cơ thể đang có những vấn đề cần phải chú ý.
Sau đây là một số căn bệnh có thể gây ra hôi miệng:
1. Bệnh về đường hô hấp
Khi bị hôi miệng, đầu tiên bạn cần nghĩ đến không phải bệnh nha chu mà là về các vấn đề đường hô hấp như viêm họng, viêm xoang... gây sổ mũi. Nước mũi được tạo thành do chất nhầy protein trong cơ thể tiết ra, một phần chất nhầy bị phân hủy sẽ tạo ra mùi tanh hôi.
Bên cạnh đó, nếu là bị viêm xoang, các mô viêm sẽ tiết ra một lượng lớn chất nhầy, chảy mủ trong hốc mũi, lâu ngày sẽ bị vi khuẩn phân hủy tạo mùi tanh, có thể dẫn đến viêm mô tế bào.
2. Bệnh về đường tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng, vi khuẩn Helicobacter pylori có khả năng chính là thủ phạm gây hôi miệng. Đây là loại vi khuẩn thường trú ngụ trong môn vị dạ dày, nó vẫn sống sót mạnh mẽ sau tác động của axit dạ dày.
Loại vi khuẩn này không chỉ ký sinh trong dạ dày mà còn phân bố rộng rãi trong khoang miệng, đặc biệt là trong các mảng bám ở răng thường khó loại bỏ. Khi nó phân hủy urê và các chất trong khoang miệng sẽ tạo ra mùi hôi khó chịu.
Táo bón cũng có thể gây hôi miệng. Khi bị táo bón lâu này, chất độc trong cơ thể không kịp đào thải ra ngoài, khiến các chất thải chuyển hóa bị hấp thu trở lại, gây ra hôi miệng và nhiều vấn đề khác.
Những bệnh nhân bị viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày và bệnh về đường tiêu hóa thường có mùi chua đặc trưng trong miệng. Khi nhận thấy bị hôi miệng, kèm theo triệu chứng đau bụng, cần nghĩ ngay đến các vấn đề về dạ dày.
3. Bệnh phổi
Không chỉ có bệnh dạ dày mới ảnh hưởng tới khoang miệng mà bệnh phổi cũng có liên quan. Khi phổi bị nhiễm trùng, chất nhầy trong phổi sẽ tồn đọng lại, lúc này hơi thở sẽ có mùi khó chịu. Nếu là bệnh phổi, hơi thở sẽ có mùi tanh, hệ hô hấp của người bệnh cũng có vấn đề, lúc này bạn cần phải đi khám để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Bệnh gan, thận
Khi bị suy gan, khả năng hoạt động của gan sẽ bị giảm đáng kể, dẫn đến lượng amoniac trong máu tăng lên, gây ra hôi miệng.
Đối với người bị suy thận, các chất độc hại trong cơ thể không được đào thải ra ngoài, chẳng hạn như urê nitơ, nếu tích tụ lâu ngày sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp. Người bệnh lúc này thở ra sẽ có mùi tương tự như nước tiểu hoặc mùi amoniac.
5. Bệnh nha chu
Ở những bệnh nhân bị bệnh nha chu, mảng bám răng và viêm nướu sẽ làm cho nồng độ sulfua trong khoang miệng tăng cao, tạo ra mùi hôi. Đặc biệt, nếu bị sâu răng, mùi hôi sẽ tanh nồng, cực kỳ khó chịu.
6. Bệnh tiểu đường
Bệnh nhân đái tháo đường thường bị nhiễm toan ceton nặng. Các thể ceton trong cơ thể một phần sẽ được đào thải ra ngoài qua đường hô hấp, dẫn tới hơi thở của bệnh nhân có mùi hôi. Đây là một biến chứng cấp tính thường gặp của người bị tiểu đường.
Nếu bạn đang mắc các bệnh lý trên thì nên đi khám và điều trị kịp thời, để lâu sẽ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, mọi người cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng hằng ngày, tránh để thức ăn mắc kẹt trong răng, dẫn đến hôi miệng. Vấn đề hôi miệng đặc biệt ảnh hưởng đến giao tiếp, do đó bạn nên sớm khắc phục tình trạng này.
Theo Epochtimes, Kknews