THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:53

Dành hơn 137.000 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Dành hơn 137.000 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Chiều 19/6, trước khi bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) với 93,58% đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo đó, thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 và giai đoạn II là từ năm 2026 đến năm 2030.

Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu 137.664 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 104.954 tỷ đồng; ngân sách địa phương 10.016 tỷ đồng; Vốn tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác 2.967 tỷ đồng.

Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Chương trình được thực hiện theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất;

Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện phương châm: "Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi";

Phân cấp, trao quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh

Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó NSNN là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của DN, tổ chức, cá nhân. Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh