Đánh giá nguyên nhân sạt lở để bố trí lại dân cư
- Tây Y
- 04:12 - 01/08/2018
29 hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở
Trong nhiều ngày qua, tại Hòa Bình đã xuất hiện mưa to trên diện rộng, đồng thời Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tiến hành xả lũ từ ngày 8/7, thời điểm xả lớn nhất là 4 cửa xả đáy, kết hợp phát điện tối đa 8 tổ máy. Đến 10 giờ ngày 30/7, đã đóng hoàn toàn các cửa xả đáy; tuy nhiên vùng hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình tại khu vực huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình đã xuất hiện hiện tượng sạt lở bờ sông khẩn cấp.
Phó Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân.
Cụ thể, tại lý trình km 3, đường tỉnh 445 thuộc khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn xuất hiện hiện tượng sạt lở ta luy dương với khối lượng khoảng 600m3; từ lý trình 3+100 đến lý trình 3+200, mặt đường xuất hiện vết nứt trên mặt đường kéo dài khoảng 100m; chiều rộng vết nứt lớn nhất khoảng 20cm; mặt đường có chỗ lún sâu hơn 40cm. Việc sụt lún này đã tạo thành một khu vực có diện tích khoảng 300m2 và có nguy cơ trượt xuống sông Đà.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang cho biết, tại khu vực tổ 26 phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình vào hồi 18 giờ ngày 30/7 đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông trên diện rộng làm nhà của 29 hộ dân (28 hộ có nhà xây, 1 hộ có đất trống) bị thiệt hại và đổ xuống lòng sông Đà. Trong đó, 9 hộ với 22 nhân khẩu bị sập nhà hoàn toàn; 10 hộ (27 nhân khẩu) bị sập nửa nhà; 9 hộ (17 nhân khẩu) nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, tại khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, chính quyền địa phương đã di dời 4 hộ dân với 10 nhân khẩu đến nơi an toàn; hiện đang tiếp tục theo dõi và di dời tiếp 3 hộ dân phía ta luy dương. Đồng thời, thường xuyên cử lực lượng theo dõi, ứng trực, cắt cử lực lượng công an, dân quân tự vệ cảnh giới cấm toàn bộ phương tiện và người dân vào khu vực nguy hiểm. Tại khu vực tổ 25-26 phường Đồng Tiến, thành phố Hoà Bình đã tổ chức di dời 35 hộ dân đến nơi ở tạm; tổ chức lực lượng công an, quân đội bảo đảm an toàn, an ninh tại khu vực sạt lở, điều tiết giao thông. Tỉnh Hòa Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp gần 400 tỷ đồng để khắc phục ngay những thiệt hại nguy hiểm do mưa lũ gây ra.
Đánh giá toàn diện, bảo đảm an toàn, đời sống người dân
Sau khi đi thị sát, thăm hỏi người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát, gửi lời thăm hỏi đến các hộ dân bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các cơ quan chức năng của tỉnh Hoà Bình trong việc di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, do đó bảo đảm không xảy ra thiệt hại về tính mạng của người dân.
Những ngôi nhà kiên cố tại Hòa Bình bị sập chưa tìm được nguyên nhân.
Trong những ngày tới, diễn biến mưa lũ vẫn còn rất phức tạp, do đó Phó Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, phải rất chủ động để ứng phó với diễn biến của mưa lũ. Phó Thủ tướng yêu cầu: “Phải tiếp tục bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các vị trí có thể nguy hiểm để có kế hoạch di dời dân, không để người dân còn ở hoặc quay lại các công trình nguy hiểm”.
Địa phương phải bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân phải đi sơ tán. Theo đó, người dân phải có chỗ ở ổn định, địa phương chủ động hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết, tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu chỗ ở, lương thực, thuốc men. Vai trò của lãnh đạo cơ sở là đặc biệt quan trọng, xem xét kỷ luật những lãnh đạo cơ sở lơ là, thiếu trách nhiệm với người dân trong mưa lũ. Tỉnh Hòa Bình sớm tìm quỹ đất phù hợp để quy hoạch, phát triển hạ tầng, hỗ trợ người dân bị sạt lở có thể sớm xây dựng lại nhà ở.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, giao thông, trước mắt điều tra các vị trí nguy hiểm cũng như đánh giá toàn tuyến để đề ra các giải pháp khắc phục, kiến nghị với địa phương bố trí lại dân cư.