Đằng sau những ca cấp cứu dân chơi lúc nửa đêm
- Sức khỏe
- 13:37 - 11/06/2017
Thường xuyên tiếp nhận chữa trị, tư vấn cho những người bị “phê” khi sử dụng cần sa, ThS BS Phan Thái Sơn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay, đa số các trường hợp đều là những người trẻ tuổi.
Theo BS Sơn, người sử dụng cần sa lần đầu sẽ có cảm giác lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh (bình thường 90 lần/phút, dùng cần sa 130 - 140 lần/phút), nôn ói hoặc đau bụng.
Tuy nhiên, khi các triệu chứng này qua đi, rất nhanh sau đó người hút sẽ thấy hưng phấn và thư giãn, tinh thần “lên cao”.
Trong cần sa có 3 chất chính, trong đó chất Tetrahydrocannabinol (THC) ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người.
Bản chất của THC tan trong mỡ, nên sau khi hút sẽ tan vào mạch máu của phổi rất nhanh (như nicotin), có tác dụng chỉ sau 1 - 2 phút.
Hậu quả về sức khỏe
Do THC là chất gây ảo giác nên sẽ làm người sử dụng thay đổi cách nhìn khi thấy cuộc đời tươi đẹp, vui vẻ hơn.
"Tuy nhiên cũng chính điều này khiến họ không kiểm soát được hành vi, không có định hướng về không gian. Một số trường hợp nhảy lầu, leo cột điện khóc lóc, la hét cũng có thể do “phê”cần sa gây ra" - Trưởng khoa cấp cứu nói.
Đối với người trung niên, cần sa làm giảm tập trung, giảm trí nhớ tạm thời, từ đó sẽ giảm khả năng làm việc. Với trẻ em sẽ là lười học, học kém.
Dù là chất gây nghiện nhưng khi mới dùng sẽ không nghiện ngay, thay vào đó là bị lệ thuộc, vì người hút thích cảm giác sảng khoái. Không hút cần sa, sự hưng phấn tinh thần cũng mất đi.
"Về lâu dài, hút cần sa sẽ gây nghiện. Thời gian gây nghiện tùy thuộc vào cơ thể, số lượng, số lần dùng cần sa của mỗi người" - vẫn lời BS Sơn.
Với nam giới, nghiện cần sa sẽ làm giảm testosterone - hóc môn sinh dục nam dẫn tới giảm tinh trùng, ham muốn tình dục, có thể gây vô sinh. Còn ở nữ giới sẽ gây rối loạn kinh nguyệt, ức chế rụng trứng, và vô sinh.
Cần sa cũng gây ra ảo thanh. Người hút có thể nghe rất nhiều âm thanh như bị ai đó chửi, nói xấu, dọa giết trong khi thực sự không có. Từ đó dẫn tới các vụ xô xát, ẩu đả, thậm chí là giết người.
Những người nào thường sử dụng cần sa?
Theo BS Phan Thái Sơn, độ tuổi thường sử dụng cần sa thường khá trẻ. Đó có thể là những cô cậu học trò mới lớn, tập tành đi sàn, đi bar.
Khi thấy những người khác hút cần sa thì cũng tò mò thử để chứng minh, thể hiện “mình đã lớn” hoặc có thể bị xúi giục, kích động từ bạn bè.
Ngoài ra, những người thường xuyên đối mặt với áp lực, stress, buồn phiền, lo âu cũng tìm tới cần sa như một thứ thư giãn, giúp tinh thần hưng phấn, yêu đời.
Người hút cần sa không nghiện ngay, mà thay vào đó là cảm giác sảng khoái nên thích dùng, dẫn tới nghiện lúc nào không hay - BS Sơn chia sẻ.
Sau khi dùng cần sa một thời gian dài, cảm giác hưng phấn sẽ ngưng lại, không mạnh lên, kích thích người dùng tìm tới thứ gây nghiện cao hơn.
Qua khảo sát ở những người nghiện heroin ở thành phố thì tỷ lệ đã từng dùng cần sa rất cao. Hút cần sa giống như một bước dẫn tới ghiện các chất ma túy khác, như heroin - Trưởng khoa Cấp cứu BV ĐH Y dược TP.HCM nhấn mạnh.