Đăng ký làm mỹ phẩm nhưng sản xuất thuốc chữa ung thư: Cơ quan y tế ở đâu?
- Sức khỏe
- 01:38 - 17/04/2018
Khó hiểu trong việc cấp phép
Hiện nay, Sở Y tế Hải Phòng yêu cầu thu hồi các sản phẩm chế từ bột than tre của công ty Vinaca. Công ty đốt than để làm thuốc giả bị rút giấy phép, chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dự luận đặt câu hỏi tại sao những sản phẩm được cấp phép đăng ký là mỹ phẩm lại trở thành thuốc điều trị ung thư?
Ông Nguyễn Tiến Sơn - Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Công ty TNHH Hồng An Phong (tại thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) có hồ sơ gửi Sở Y tế xin chứng nhận cho 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm gồm Vinaca Vi5, Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng và Vinaca đa dụng.
Tuy nhiên, rất khó hiểu là sản phẩm của công ty xin cấp phép là mỹ phẩm nhưng tên sản phẩm cũng như phần thành phần, công dụng khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là thuốc hay thực phẩm chức năng.
Cận cảnh những công nhân sản xuất thuốc ung thư bằng bột than tre
Ngay trên trang thông tin của doanh nghiệp http://vinaca.vn/, sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 được quảng cáo: “Sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư số 1 thế giới”. Ngay trong phần hướng dẫn sử dụng cũng ghi rõ: Thành phần tinh chất nano carbon, tinh chất nghệ nano, cao sắc… Công dụng: Hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng… Đây là sản phẩm dạng viên uống.
Một chuyên gia trong lĩnh vực dược chia sẻ: Trong phần ghi công dụng, sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 nêu hàng loạt tác dụng. Ngay cả thực phẩm chức năng cũng không được sử dụng từ "hỗ trợ điều trị" trong phần giới thiệu công dụng, nếu không có nghiên cứu lâm sàng. Trong khi đó, những sản phẩm này được đăng ký là mỹ phẩm?
Cũng theo vị chuyên gia này, mỹ phẩm là dùng để bôi bên ngoài da, nhưng những sản phẩm được cơ quan chức năng phát hiện lại ở dạng viên, sản phẩm dùng qua uống thì không thể là mỹ phẩm. Hơn nữa, chính tên sản phẩm đã gây hiểu lầm, khó hiểu cho người tiêu dùng: Mỹ phẩm lại mang tên thuốc ung thư, dạng bào chế? Vậy tại sao Sở Y tế Hải Phòng vẫn cấp phép là mỹ phẩm?
Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?
Thêm một thông tin nữa mới đây khiến dư luận xôn xao là Vinaca từng nhận giải thưởng top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017.
Trên trang thông tin của doanh nghiệp thời điểm này vẫn lưu giữ những hình ảnh nhận giải thưởng top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2017. Trong quyết định chứng nhận có đầy đủ các thông tin: Trần Mai Khanh - Viện trưởng Viện chống làm giả - Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP), Trưởng ban tổ chức Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam 2017; ông Lê Trọng Anh - quyền Giám đốc Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam); bà Trần Hương Giang - Phó Tổng biên tập Tạp chí Hàng hóa và thương hiệu - đơn vị bảo trợ truyền thông.
Trao đổi về thông tin này, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tỏ ra bất ngờ: Thật không biết kiểu giải thưởng gì đây? Hiệp hội quản lý kiểu gì? Ai trao? Việc này đã gián tiếp, tiếp tay cho họ lừa bịp người tiêu dùng. Đề nghị cơ quan chức năng vào điều tra làm rõ. Việc tổ chức cấp phép, cấp bằng, cấp Cup và giấy chứng nhận, báo đài đã nói rất nhiều. Trên thực tế, có hiện tượng đóng một khoản tiền nhất định thì người ta đóng cho chứ không quan tâm đến chất lượng hàng hoá cũng như uy tín doanh nghiệp. Vì vậy các đối tượng lợi dụng đóng tiền để nhận những cái đấy về để lừa dối người tiêu dùng.
Giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam được cấp cho Vinaca
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì cho rằng, mặc dù Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo nhưng dư luận đánh giá là thiếu quyết liệt. Vụ việc này cho thấy, quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế nói chung và lĩnh vực dược nói riêng như vậy là có vấn đề. Vì loại thuốc này đã lưu hành trong một thời gian rất dài và lại là loại thuốc rất quan trọng. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, điều đó bộc lộ rất rõ sơ hở, thậm chí dư luận đặt câu hỏi liệu phía đằng sau có sự thông đồng trong làm ăn hay không, nếu không thì tại sao loại thuốc đó lại tồn tại lâu như vậy. Ở đây, nguy hiểm ở chỗ bản thân doanh nghiệp này còn được cấp giấy chứng nhận Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Đây rất rõ ràng là một số cơ quan đã dung túng cho câu chuyện vi phạm pháp luật. Bởi nếu muốn cấp giấy chứng nhận như thế thì rõ ràng phải có sự kiểm nghiệm, xác minh.
“Theo tôi phải xử lý hết sức nghiêm khắc đối với Tổ chức cấp giấy chứng thương hiệu hàng đầu Việt Nam cho sản phẩm thuốc giả đó. Viện đó làm đã đúng chức năng chưa, cần thiết thì giải tán Viện đó đi. Như thế là họ đang tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta phải có một thái độ cực kỳ nghiêm khắc đối với câu chuyện này. Tôi chưa cần biết việc đó gây ra thiệt hại thế nào đối với người tiêu dùng về mặt bệnh tật, nhưng về mặt kinh tế, về mặt xã hội thì rất rõ. Hậu quả của nó rất lớn. Đề nghị các cơ quan phải có đánh giá rất nghiêm túc về tất cả tác động về mặt vật chất, tinh thần, kinh tế xã hội đối với vụ thuốc giả này. Không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức, họ đánh vào túi những bệnh nhân ung thư, những con người đang cùng quẫn vì căn bệnh nan y, phản bội lòng tin của người tiêu dùng. Theo tôi phải làm rõ trách nhiệm của ngành y tế, chính quyền địa phương ở Hải Phòng và đơn vị việc cấp giấy chứng nhận top 10 thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp này”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bức xúc nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng nhấn mạnh, để lấy lại lòng tin của người dân, các cơ quan công an và các cơ quan chức năng phải làm thật nhanh, phải truy cứu trách nhiệm hình sự để xử lý ngay, chứ không thể để cho người dân bị lừa như thế.