THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:43

Đảng có vững, cách mạng mới thành công

Các đại biểu dự đại hội XIII của Đảng.

Các đại biểu dự đại hội XIII của Đảng.

Cắt tỉa cành sâu mọt để bảo vệ cây xanh

Nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” đã được ghi trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Có được thành tựu to lớn ấy là sự phấn đấu không mệt mỏi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự chèo léo vững vàng, sáng tạo và tài tình của Đảng ta. Không chỉ đánh thắng cả thực dân và đế quốc to, mạnh, chúng ta còn kiên trung vượt qua cơn bão táp khủng khoảng về tư tưởng chính trị khi một số nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, thoát khỏi thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới. Khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp thế giới, ít có thể chế chính trị, đảng cầm quyền nào dồn toàn tâm, toàn lực chống dịch, coi tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trước hết, trên hết như Đảng ta.

Đảng ta thật là vĩ đại, câu nói ấy của Bác Hồ vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Đảng ta đời, giờ đây càng thấy vô cùng ý nghĩa và tự hào biết bao. Song, Đảng vĩ đại, không có nghĩa là suốt chặng đường 92 năm qua, lúc nào Đảng cũng như một “thiên thần” đầy sức mạnh mà đôi khi đã mắc phải sai lầm, khuyết điểm. Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội VII, Đảng đã sớm chỉ ra bốn nguy cơ: chệch hướng, tụt hậu, tham nhũng và diễn biến hòa bình. Trong đó, bệnh tham nhũng đã được Bác Hồ cảnh báo từ khi đất nước mới giành độc lập; Đảng cũng đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, nhưng cái “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” ấy chưa có thuốc đặc trị. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao, bao gồm cả Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, tướng lĩnh bị xử lý kỷ luật nhiều như trong nhiệm kỳ khóa XII.

Rất đau xót khi phải làm những việc không ai muốn ấy, nhưng có cắt tỉa đi những cành sâu mọt mới bảo vệ được cây xanh. Có loại bỏ những cán bộ biến chất ra khỏi hàng ngũ, Đảng mới bảo vệ được uy tín, danh dự của mình. Thực tế đã minh chứng cho điều ấy, niềm tin yêu và lòng kính trọng của nhân dân ta dành cho Đảng đang cao hơn bao giờ hết.

Tìm cách phòng, trị bệnh từ xa

Công tác xây dựng Đảng là công tác về tổ chức và con người, khó, phức tạp, nhất là khi phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhiều giá trị, chuẩn mực đạo đức dễ bị tác động, thậm chí thay đổi. Bốn nguy cơ mà Đảng chỉ ra vẫn hiện hữu và mang sắc thái mới, tinh vi hơn, cứ gậm nhấm, làm “đổi màu” không ít cán bộ mà nhiều khi chính họ đến lúc đứng trước tòa mới nhận ra. Thế mới biết ma lực của đồng tiền, của quyền lực làm mờ mắt bao người, hiểm nguy đến nhường nào.

Trong nhiều bài viết, phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra căn nguyên sâu xa của các thứ bệnh nói trên. Theo đó, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chủ yếu là do công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Mọi vi phạm đều xuất phát từ tư tưởng cá nhân chủ nghĩa; từ sự suy thoái của cán bộ, đảng viên, một thực trạng chưa bị đẩy lùi.

Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng.

Từ thực tế ấy, nhiệm kỳ này, Trung ương tập trung quyết liệt hơn cho nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII ban hành Kết luận số 21 về tăng cường xây dựng Đảng với phạm vi, đối tượng rộng hơn, yêu cầu, mục tiêu cao hơn, cách làm có chiều sâu và đồng bộ hơn. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ đối với đảng viên, tổ chức đảng mà còn mở rộng ra cả cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả cơ quan phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, Quy định số 37 của Trung ương mới ban hành thay thế Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm cũng có nhiều yêu cầu mới, làm căn cứ quan trọng để xem xét, xử lý vi phạm. Trong đó tập trung vào hai nhóm vấn đề, như: nhóm những hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; nhóm về những việc làm sai trái trong công tác cán bộ, như chạy chức, chạy quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, tham ô, hối lộ, chạy dự án, lợi ích nhóm,vv. Những điều trong Quy định được ví như “biệt dược” giúp chúng ta chủ động phòng, chống, ngăn ngừa từ xa, từ sớm và đặc trị các loại bệnh phát sinh; giúp cán bộ, đảng viên thêm sức đề kháng, có thể tránh được sự tha hóa biến chất về tư cách đạo đức, lối sống. Thêm nữa, Quy định số 41, ngày 03/1/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức là thêm một cảnh báo răn đe cán bộ không thể né tránh trách nhiệm, làm việc qua loa, cầm chừng.

Từ chủ trương đến hành động đều thể hiện sự đồng bộ hơn, quyết liệt hơn. Các quy định mới là hành lang pháp lý quan trọng để xem xét cán bộ vi phạm, cùng với đó, công tác chỉ đạo thực hiện cũng được đẩy lên một mức cao hơn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây nay được Bộ Chính trị bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 10/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng; đây mới là cái gốc, cái căn bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống,…

 Từ nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về xây dựng cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đến các quy định, kết luận về kiểm tra, giám sát; về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và nhiều văn bản khác gần đây, công tác cán bộ ngày càng được hoàn thiện hơn. Đó là cơ sở tạo môi trường thuận lợi nhất giúp cán bộ rèn luyện, phấn đấu, cống hiến tài năng cho đất nước và cũng là cách siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm mọi vi phạm.

Ý chí, quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lúc nào cũng sẵn sàng với những chủ trương, quyết sách ngày càng quyết liệt, nhằm xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ. Nhân dân luôn kỳ vọng Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, là đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn dân tộc. Điều còn lại là mong ở hành động thiết thực của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải hết lòng vì dân, vì nước.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, từ năm 2016 đến năm 2020, có 25.104 đảng viên bị xử lý kỷ luật vì suy thoái hoặc có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (0,5% tổng số đảng viên). Trong đó, có 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống chiếm 60% số bị kỷ luật; 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị chiếm 33%; 1.722 đảng viên biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chiếm 6,9% .

(Theo báo cáo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng Đảng, ngày 9/12/2021)

 

Bắc Văn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh