Kon Tum: Chặt hơn 110 ha rừng thông để trồng cây mắc ca
- Tây Y
- 03:21 - 14/08/2017
Kon Plông (Kon Tum) nằm ở độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 18 đến 20ºC, trước đây là vùng đất hoang sơ, lạc hậu, ít bóng người. Nay đã chuyển mình thành trung tâm nông nghiệp kỹ thuật cao và điểm du lịch khám phá thú vị của Kon Tum. Vùng đất này đang chuyển mình, với mục tiêu biến thành “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên. Tuy nhiên những ngày qua, nhiều du khách đi qua đây bỗng giật mình khi thấy rừng thông xanh mướt, đẹp mê hồn ngày nào đã bị khai thác.
117 ha rừng thông bị phá bỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 1/2017, UBND tỉnh Kon Tum có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng cho Công ty TNHH Đăng Vinh (TP. Quy Nhơn, Bình Định) thuê đất triển khai dự án trồng cây mắc ca với thời hạn 50 năm. Rừng thông bị khai thác là rừng trồng sản xuất, được trồng từ năm 1992, 1996, nằm tại khoảnh 8, 9, 12, 13 thuộc tiểu khu 481, xã Đắk Long, huyện Kon Plông. Tổng diện tích rừng là 198 ha, trong đó Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông quản lý 187 ha (đất có rừng gỗ trồng là 117 ha, còn lại là không có rừng), UBND xã Đắk Long quản lý 11,16 ha (đất có rừng gỗ trồng là 5,3 ha, còn lại không có rừng).
Sau khi lấy đi hết thân gỗ, nơi đó sẽ bị đốt cháy.
Ghi nhận của phóng viên tại QL24, đoạn qua xã Đắk Long, nơi 117 ha rừng thông bị khai thác, cây cắt trơ trọi sát đất, cành nhánh vứt rải rác. Những vết hằn sâu xuống đất của bánh xe ba càng vào vận chuyển gỗ đi tiêu thụ càng làm khu rừng thêm tan hoang.
Theo ông A Bít - Trưởng thôn Kon Chốt, xã Đắk Long, trước đây khu rừng thông này là đồi trọc, sau đó có chủ trồng, người dân cũng tham gia chăm sóc, trông coi. Rừng thông là bóng mát, chắn gió cho thôn Kon Chốt khỏi những trận mưa bão, giờ rừng thông bị phá bỏ, trong làng ai cũng tiếc nuối.
Ông Bùi Thanh Phong - Chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông cho biết, số diện tích rừng chuyển đổi sang trồng mắc ca trên địa bàn là rừng trồng. Trong dự án chuyển đổi này, huyện chỉ có vai trò giới thiệu đất và địa điểm. “Trên địa bàn, rừng thông trồng có mấy nghìn ha, tuy nhiên, huyện sẽ để lại làm cảnh quan chứ không khai thác, chuyển đổi toàn bộ diện tích” - Ông Phong nói.