THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:08

Đàn ông Việt: Tuổi càng cao, uống bia càng nhiều

 

 Phụ nữ, trẻ em- những nạn nhân của nạn bia rượu
Tại hội thảo, Ths.BS Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam được xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia tính theo cồn nguyên chất.
So sánh giữa năm 2010 và 2015, đã thấy lượng người sử dụng bia rượu ở mức độ có hại tăng từ 25% lên trên 44%. Năm 2010, người Việt tiêu thụ trên 2,4 tỉ lít bia, thì đến năm 2015 con số này đã là 3,4 tỉ lít. Cùng với số lượng bia khổng lồ, người Việt cũng uống hơn 342 triệu lít rượu.
Số liệu năm 2015 cũng cho thấy có tới 77,3% nam giới và 11% nữ giới ở độ tuổi trưởng thành uống rượu, bia; trong độ tuổi từ 25 – 64, có tới trên 80% nam giới uống rượu, bia. Trong nhóm tuổi vị thành niên (13 – 17 tuổi) có tới 1/3 nam giới và 1/15 nữ giới có sử dụng rượu bia, 1/2 số em nam uống lần đầu trước 14 tuổi.
Tỷ lệ nam giới Việt Nam trưởng thành uống rượu, bia hiện cao nhất thế giới (77,3% so với 47,7% toàn cầu; 40,2% ở châu Phi; 70,7% ở châu Mỹ; 21,7% ở Đông Nam Á…). Đặc biệt, tuổi càng cao, nam giới Việt Nam có tần suất uống bia ngày càng tăng.
Nhiều chuyên gia bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về nạn lạm dụng rượu, bia, một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của những bệnh không lây nhiễm chủ yếu và những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội. Theo các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Đặc biệt phải kể đến các nguy cơ bệnh tim mạch, tăng huyếp áp, xơ gan, ung thư gan… do rượu bia. Ngoài ra, việc lạm dụng còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ tâm thần.
Về mặt xã hội, việc lạm dụng rượu bia đang để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Một số liệu của bệnh viện Tâm thần TƯ, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm từ 5 - 6% tổng số bệnh nhân tâm thần và tỷ lệ này ngày càng có xu hướng gia tăng. Rượu bia gây ra 5,7% tổng số ca tử vong; có liên quan đến 35,2% các ca tai nạn giao thông ở nam giới; là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7 % các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam… Đặc biệt, trẻ em Việt Nam cũng đang là nạn nhân trong việc lạm dụng rượu bia của người lớn như bị xúc phạm, nhục mạ, mắng chửi, bị bỏ mặc, phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng trong gia đình…

Lạm dụng rượu bia đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội
Thống kê cho thấy, chi phí kinh tế trực tiếp cho điều trị sáu loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam trong đó có năm bệnh liên quan đến sử dụng rượu bia (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú) lên tới hơn 25.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên gia đình (42,2%), bảo hiểm y tế (27,7%) và chính phủ (17,1%). Theo báo cáo tổng quan y tế năm 2015, Việt Nam chi bình quân tiêu thụ bia hơn 3 tỷ USD/năm (khoảng 1,8% GDP), bằng gần 4% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mức đóng ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hàng năm (trung bình 800 triệu USD/năm).
Cần đẩy nhanh lộ trình xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia
Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge tại Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng gia tang bia rượu ở thanh thiếu niên (và cả người trưởng thành), một phần do tác động của quảng cáo. Tại Việt Nam, Luật Quảng cáo mới dừng lại cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên nhưng còn nhiều vi phạm và lách luật . Một số thương hiệu đang được quảng bá với hình ảnh rượu mạnh một cách tinh vi với sự xuất hiện của các ngôi sao thể thao, ca nhạc nổi tiếng. Quảng cáo bia còn thả nổi vì chưa có bất kỳ chính sách nào để hạn chế quảng cáo bia.Điều này đang góp phần ảnh hưởng đến mức tiêu thụ rượu bia ở người Việt trẻ.
Theo điều tra của Đại học Y tế công cộng (năm 2014) trên gần 700 điểm bán rượu bia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy có tới 95% điểm bán có treo quảng cáo phía bên trong cửa hàng và 93% điểm bán có treo quảng cáo bên ngoài cửa hàng; 77% điểm bán treo quảng cáo cả bên trong và bên ngoài cửa hàng. Đặc biệt, quảng cáo rượu trên 15 độ dù bị cấm nhưng có tới 76% điểm bán có vi phạm ở khu vực bên trong nhà và 8,2% điểm bán có vi phạm quảng cáo ngoài trời. 
Chính vì vậy quy định rõ về độ tuổi được phép mua, sử dụng rượu bia và quy định nhằm kiểm soát quảng cáo, khuyến mại rượu bia trên các phương tiện truyền thông đại chúng là các giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã kiến nghị, để kịp thời ngăn chặn “nạn dịch” rượu bia và những hệ lụy của nó tới đời sống kinh tế -xã hội và các thế hệ sau, Chính phủ cần đẩy mạnh lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; đề nghị Quốc hội sớm đưa Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội; đồng thời, nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại; tài trợ và kiểm soát bán lẻ.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh