THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:30

Tan cửa nát nhà vì vợ có máu "đỏ đen"

 

Ảnh minh họa.


Được biết, anh Tuấn và chị Huệ đều quê ở tỉnh ngoài tới thành phố mưu sinh từ nhiều năm nay. Sáng nào cũng thế, sau khi mua và chất đầy 2 xe hoa quả là hai vợ chồng lại phóng vội về khu chợ gần phòng trọ để bán. Hôm đắt hàng, lúc ế, nhưng nói chung là cứ đến chập tối trong ngày là kiểu gì số hoa quả mua buôn ban sang cũng hết. Hôm ế thì chị bán tống bán tang cầu đủ vốn, hoặc lãi chút ít để hôm sau mua hàng mới. Vì có thâm niên buôn hoa quả, lại quen nhiều khách hàng nên sạp hoa quả của vợ chồng anh chị lúc nào cũng đắt hàng hơn các bạn buôn xung quanh.

Tôi sống gần phòng trọ của anh chị đã lâu, nên quá hiểu gia cảnh của họ. Chị Huệ tiết lộ, mỗi tháng, trừ tri phí sinh hoạt của hai vợ chồng, tiền thuê nhà đi rồi, vợ chồng anh chị luôn để ra được, khi thì 10 triệu, lúc thì 12 triệu đồng… Số tiền dành giụm được họ vẫn đều đặn gửi về nhờ ông bà nội giữ hộ và chăm nuôi 2 đứa con trai đang học phổ thông cơ sở ở quê.

Người ta vẫn từng bảo, “đàn ông là cái giỏ, đàn bà là cái hom”, như muốn nói lên tầm quan trọng của người đàn bà trong gia đình, khi biết tằn tiện vun vén lo toan cho gia đình. Vâng, những năm đầu biết chị Huệ, tôi thấy chị cũng thuộc dạng tuýp người phụ nữ hay lam hay làm, tiết kiệm, và giỏi giang. Chẳng thế mà hai Vợ chồng anh chị đã tích cóp được mấy trăm triệu đồng qua ngần ấy năm đi buôn bán, xây được căn nhà mái bằng ở quê khang trang, mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như tủ lạnh, tivi màn hình phẳng, xe gắn máy… Biết nghề đi buôn hoa quả vất vả, lại xa nhà, xa bố mẹ, con cái… nên nhiều lần anh Tuấn bảo với vợ: “Em à, vợ chồng mình cố gắng làm thêm vài năm nữa dành lấy ít vốn rồi về quê cho tiện việc chăm sóc giáo dục con cái, phụng dưỡng bố mẹ già, chứ mưu sinh mãi trên này e cũng không tiện cho lắm…”. Cũng suy nghĩ như chồng, chị Huệ cho biết, chỉ chậm nhất là 3 năm nữa sẽ về quê…

Chuyện làm ăn buôn bán của vợ chồng họ đang thuận buồn xuôi gió thì bỗng dưng  “có vấn đề, khi anh Tuấn phát hiện ra vợ mình đã “làm bạn” với lô, đề cờ bạc. Một lần, khi vợ bận bán hoa quả ngoài chợ, thấy đống quần áo bẩn anh mang giặt đỡ, vì nghĩ khi vợ về không phải lo giặt nữa. Trong khi giặt anh phát hiện trong túi quần dài của vợ có một cái cáp lô, đề mà nhìn những con số dài dằng dặc cùng số tiền đánh tổng cộng lên tới hơn 2 triệu bạc, anh không dám tin vào mắt mình?! Anh Tuấn lẳng lặng đợi tới khi hai vợ chồng đi ngủ mới bảo nhỏ: “Em biết chơi lô, đề từ khi nào vậy?!”. Chị Huệ hơi giật mình nghĩ tại sao chồng lại biết được mình chơi cờ bạc nhỉ? Nhưng chị vội trấn tĩnh chối: “Đâu, em có chơi lô, đề đâu! Từ thuở bé tới giờ em có biết đánh lô, đề là cái gì đâu nào! Mà sao anh lại hỏi em vậy?...”. Khi anh Tuấn giơ tờ giấy là cáp ghi những con số mà anh vô tình thấy trong túi quần ra, lúc này vợ anh mới cứng lưỡi không nói được lời nào. Anh Tuấn vội khuyên: “Thôi, đã trót xa vào trò cờ bạc này thì nhanh mà từ bỏ đi kẻo hối hận không kịp đâu em ạ…”.

Những ngày tiếp theo, hai vợ chồng vẫn đi chợ bình thường, nhưng anh Tuấn để ý vợ như có vẻ không chú tâm làm ăn, mua bán mà nhiều khi thoáng buồn lại thoáng lo toan cái gì đó? Anh hỏi vợ đã bỏ cờ bạc chưa, chị một mực khẳng định là không đánh nữa. Anh Tuấn vẫn tin lời vợ, và cho đến một hôm anh bàng hoàng khi bố đẻ gọi điện lên nhắn anh về nhà ngay vì có mấy người trong xã vác dao tới đòi nợ những hơn 200 triệu đồng mà vợ anh vay của người ta. Thì ra, từ hơn 1 năm nay, vợ anh dính vào lô, đề và chơi với mức khát nước khi mỗi hôm đánh cả tiền triệu, thậm chí mấy triệu bạc. Càng thua càng gỡ khiến cho chị Huệ như một con thiêu thân không có điểm dừng. Chị giấu chồng về quê vay tiền của mấy chủ sạp hàng xén trong chợ huyện, mỗi người gần trăm triệu để chơi và gỡ.

Thế là 5 năm trời cả hai vợ chồng vất vả mưu sinh nơi xứ người tích cóp được chút tiền cũng trở thành công cốc. Họ trở về quê và anh Tuấn đã quyết định bán nhà để trả tiền nợ cho vợ. Nhưng tình cảm với người vợ thì anh không thể tha thứ, nhất quyết làm đơn ra tòa ly dị, mặc dù bố mẹ hai bên hết lời khuyên can. Anh chấp nhận để gia đình tan vỡ, vì anh không thể sống với một người vợ đã “ngấm” máu cờ bạc. Anh thương các con vì đứa được sống với bố thì lại không được gần mẹ, mà đứa ở với mẹ thì lại thiếu sự chăm sóc của bố. Anh chấp nhận như vậy vì không muốn sống nốt quãng đời còn lại với một người đàn bà cờ bạc. Nhiều khi anh buồn và nghĩ: Giá như không bỏ quê phiêu bạt lên thành phố mưu sinh thì chắc gì vợ anh đã bị nhiễm và tha hóa vì nạn cờ bạc kia…

Nguyễn Gia Long/Bao Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh