Đầm sen trên sân thượng 300m2 giữa lòng Sài Gòn: Chi phí chỉ 50 triệu
- Bác sĩ
- 13:55 - 20/06/2020
Trồng rau củ, cây cối trên sân thượng vốn đã là một điều rất quen thuộc đối với nhiều gia đình hiện nay. Nhà anh Huynh, chị Gấm, hiện đang sinh sống ở quận 12 TP. HCM thậm chí còn trồng hoa sen trên sân thượng. Tuy rất bận rộn với công việc nhưng anh chị luôn dành thời gian để chăm sóc vườn cây, cũng vừa để giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc.
Chia sẻ về vườn cây nhà mình, anh Huynh cho biết từ lâu anh đã muốn xây dựng một ngôi nhà đủ rộng, cả gia đình chỉ ở một tầng, và trên tầng thượng phải là không gian xanh, chỗ vui chơi giải trí cho cả gia đình. Vì vậy khi xây nhà ngay từ đầu anh đã tính toán cho ý định đó, nhà gồm 3 tầng, tầng 1 làm cửa hàng kinh doanh, tầng 2 thiết kế cho cả gia đình ở, tầng thượng rộng với diện tích 300m2.
Khu phòng tập của gia đình. Ảnh: NVCC.
Anh chia ra làm 3 khu rõ ràng trên sân thượng: khu phòng tập diện tích khoảng 40m2, khu ăn uống bếp, bàn ghế, công trình phụ trợ khoảng 60m2, khu còn lại thì trồng hoa tiểu cảnh khoảng 100m2, còn lại toàn bộ là trồng rau củ quả phục vụ sinh hoạt cho gia đình hàng ngày. Anh Huynh tiết lộ vườn của gia đình mới làm được khoảng nửa năm và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Tự tay làm nông từ A-Z, không ngại khó khăn
Toàn bộ thiết kế, ý tưởng đều do anh tự nghĩ ra sao cho phù hợp với không gian của gia đình, với phương châm: đơn giản, hiệu quả, hợp lý và đặc biệt phải dễ sử dụng, không tốn nhiều công sức vì anh biết mình không có nhiều thời gian chăm sóc và xác định làm một mình, còn anh chỉ muốn vợ hỗ trợ một vài việc như quét dọn, trồng cây giống... Anh Huynh hiện đang kinh doanh xây dựng, bất động sản, dịch vụ ăn uống giải trí, còn chị Gấm là quản lý quán cà phê lớn của gia đình và đảm nhiệm việc chăm lo các con.
Ảnh: NVCC.
Thời gian đầu bắt tay làm vườn, anh kể trồng cây nào chết cây đấy. Vốn là người gốc Bắc nên anh Huynh không hiểu kỹ về thời tiết miền Nam, nắng lại quanh năm, trên sân thượng gió và rất nóng. Sau đó, anh lên mạng mày mò, tìm hiểu một số kinh nghiệm, mua một số chậu nhựa nhưng đều thất bại. Vậy là anh quyết định thiết kế theo ý tưởng của mình với phương châm khắc phục bằng được những yếu điểm trên sân thượng.
Anh tự hào về vườn cây của mình lắm: "Tất cả đều được tính toán rất công phu đấy. Ví dụ vị trí nào ngày nắng bao nhiêu tiếng, cây nào lớn che được bao nhiêu bóng mát, vị trí nào nắng cả ngày, hướng nào gió nhất, vị trí nào gần chỗ tường, vị trí gần vòi rửa... rất quan trọng vì mỗi loại cây một đặc tính và sức chịu đựng. Vì vậy, sân thượng đến cả khe tường chỉ 20 cm, mình vẫn trồng được rau bí phát triển rất tốt là do đoạn tường đó ngược hướng mặt trời.
Khu không có gì che, nắng cả ngày lại phải đặt trồng sen, vì sen ưa nắng, hoặc hoa sứ, cây nha đam... là những cây chịu nắng rất tốt. Khu vực rau ngắn ngày thu xếp vào giữa để giảm gió, làm lưới che nắng, một số loại bí, mướp lại chỉ che nắng một phần. Các loại dưa lưới, dưa bở, dưa hấu mỗi loại ưa độ sáng, đất, nước khác nhau, mình phải lựa để đặt vị trí trồng và chăm sóc. Có loại cây ngày tưới 2 lần nhưng có loại tưới nhiều sẽ chết vì vậy không thể làm giàn tưới tự động mà phải tự tưới bằng tay."
Ảnh: NVCC.
Tỉ mỉ từng chút một, anh chia sẻ từ bồn trồng cây cũng phải mất công thiết kế để làm sao phù hợp với từng loại cây trồng. Ví dụ mướp, bí rễ ăn rất sâu nên phải sử dụng bồn phi nhựa cũ; giá mua chỉ khoảng 200.000/cái, sau đó về cắt đôi là có thể trồng được 2 bồn. Nhưng các loại rau ngắn ngày lại phải lựa bồn rộng mới dễ chăm sóc, trồng được nhiều, thành làm cao hơn để chống gió. Bồn trồng các loại dưa chuột, dưa lưới, dưa gang... lại khác kiểu. Tựu trung lại, bồn nào cũng phải bảo đảm gọn nhẹ, cách mặt sàn, chống thấm, có thể thoát nước dễ dàng nhưng đơn giản và rẻ vô cùng.
Nguồn đất trồng chính vẫn là xin từ ruộng ở ngoại thành, thuê đóng bao chở về và đưa lên rất đơn giản. Hơn nữa, nhà anh bán quán cà phê nên gia đình tận dụng luôn bã cà phê trộn với phân bò hoặc gà ủ phía dưới. Mỗi lần thu hoạch rau lại đưa lên trải một lớp mỏng lên, trồng lứa mới, sau đó chỉ tưới nước, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học.
Như một nhà nông thuần thục, nói về sâu bệnh, anh bảo trên sân thượng đỡ sâu rất nhiều nhưng vẫn xuất hiện các loại nấm, mốc. Tuy nhiên, anh Huynh quả quyết trồng rau sạch, nói "không" với thuốc, và chọn chữa bệnh bằng cách chịu khó cắt lá vàng, chăm cây tươi khỏe sẽ tự chống bệnh hoặc với gốc mướp, gốc bí có "hiện tượng lạ" sẽ rắc vôi bột. Về cây giống, anh chỉ ươm từ hạt chứ không mua cây giống vì nếu ươm được từ hạt thì cây sẽ khỏe.
Do được thiết kế hợp lý, sân thượng lúc nào cũng sạch sẽ, không có nước và bùn đất rơi vãi kể cả khi trời mưa. Tổng chi phí, anh nhẩm tính khoảng 50 triệu.
Một vườn cây xanh - Một hạnh phúc to
Mỗi ngày anh chỉ có 30 phút buổi sáng và 30 phút buổi chiều rảnh rỗi nên anh quy định cho mình phải chăm sóc cực kỳ khoa học, không lãng phí nước, tận dụng các đặc tính của cây để cây lớn lên thật khỏe mạnh. Vì thời gian biểu khác nhau nên hai vợ chồng anh rất ít khi cùng nhau chăm sóc vườn cây. Một mình anh chuẩn bị tất cả các khâu kể cả ươm giống, tạo sẵn mặt bằng, tính toán khu vực trồng cây, còn bà xã chỉ tranh thủ khi rảnh cấy con giống và dọn sân giúp. Thỉnh Thoảng, các con anh cũng lên chăm sóc và thu hoạch rau củ giúp bố mẹ. Anh Huynh rất vui vì đã tạo được không gian riêng tư và rèn được cho các con tính tự lập từ bé.
Ảnh: NVCC.
Điểm đặc biệt nhất trong vườn cây trên sân thượng 300m2 của gia đình anh Huynh chính là một đầm sen nhỏ rộng khoảng 20m2. Xung quanh đầm, anh trồng hoa hồng làm thành lối đi. Ấy thế mà, anh Huynh tiết lộ trồng sen đơn giản nhất và gần như mình không mất công chăm sóc vì cả tuần mới phải bơm thêm chút nước. Từ khi trồng, anh chưa hề bón phân, chỉ lá cây này lụi đi lại thành phân cho cây khác mọc lên. Đầm sen này anh không xây, mà chỉ hàn khung xung quanh, sau đó bắn tôn rồi trải bạt chống thấm, bên ngoài dán cỏ nhân tạo, vừa rẻ tiền, không nặng mái, đẹp vừa có thể di chuyển dễ dàng.
Anh vui vẻ kể: "Cái đầm sen đó là chỗ cho bạn bè, người quen đến chụp ảnh, hàng tháng thu hoạch cả ký hạt mà gần như tuần nào cũng cắt một bình cắm dưới nhà. Kỷ niệm hài nhất là cứ chuẩn bị đến ngày lễ vợ lại nhắc: Đừng có mà mua hoa nghe, nhà quá trời rồi!. Rồi có lần, hoa nở đẹp quá mấy mẹ con mải chụp hình để cháy cả nồi cá kho!"
Làm kinh doanh nên anh Huynh cho biết thường xuyên áp lực. Đổi lại những khoảnh khắc vô cùng stress ấy, mỗi lần được về làm nông dân chăm sóc vườn trên sân thượng là anh rất vui. Đầu óc thảnh thơi, có chỗ cho 4 đứa con được tập lao động, được gần gũi thiên nhiên, biết yêu cây cỏ. Thật lòng, anh bảo, mỗi lần nhìn thấy vợ con vui đùa bên vườn lộng gió, đầy hoa trái anh rất hạnh phúc.
Ảnh: NVCC.
Anh xuề xòa bảo: "Nhiều người không tin mình có thể tự tay làm hết đâu mà chắc thuê thêm người làm. Nhưng sự thực là không ai có thể chăm sóc được nó ngoài mình vì trên đó khí hậu rất khắc nghiệt. Bạn chỉ cần tưới quá cây cũng chết ,đặt sai vị trí cây cũng chết, bà xã nhiều lúc không dám tưới vì không hiểu chỗ nào đã tưới, tưới bao nhiêu nên chỉ có mình mình chăm sóc mới hiểu được những gì mình cần làm.
Chỉ cần nhanh tay, quan trọng là sắp xếp thời gian khoa học sẽ đỡ rất nhiều sức người. Trồng cây trên sân thượng chỉ có cái khó là nắng, gió, vận chuyển phức tạp. Khi bạn giải quyết được những vấn đề đó thì mọi thứ khác mình cho rằng dễ hơn trồng dưới đất. Bản thân mình là một doanh nhân, mình coi cái sân thượng là một thử thách, cộng thêm một chút sự sáng tạo ,kiên nhẫn và cho cái tâm của mình thêm sáng."
Anh Huynh cũng tiết lộ thêm việc quy hoạch sân thượng của mình theo từng khu vực, mang tên địa danh làng quê gắn với tuổi thơ. Như vậy, vừa tiện cho chăm sóc, vừa thỏa nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ. Anh và chị là người Hà Tây cũ, đi học và làm việc ở châu Âu từ đầu những năm 90, mới trở về Việt Nam định cư ở Sài Gòn từ 2010 đến giờ.
Nhưng mục tiêu lớn hơn cả là anh muốn có một môi trường để giáo dục các con mình lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần lao động, sáng tạo của cha ông... cho dù sau này các cháu có là ai, sống ở đâu thì cũng hãy luôn nhớ và tự hào: chúng ta là người Việt Nam!
Ảnh: NVCC.
Ảnh: NVCC.
Ảnh: NVCC.
Ảnh: NVCC.
Ảnh: NVCC.
Ảnh: NVCC.