THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:15

Đảm nhiệm tốt Chủ tịch Cộng đồng VH-XH ASEAN: Thành tích nổi bật trong công tác đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. 

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; đại diện các Bộ, ban ngành liên quan, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ công chức Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH).

Đảm nhiệm thành công Chủ tịch Cộng đồng VH-XH ASEAN là thành tích nổi bật trong công tác đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị

Phát huy tốt vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm 2020 là năm đầy thử thách đối với hoạt động đối ngoại của Bộ, đặc biệt là ảnh hưởng của Covid-19. 

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt với sự chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia ASEAN, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện thành công vai trò Chủ tịch Cộng đồng trong năm Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN là thành tích nổi bật trong công tác đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2020.

Các hoạt động do Bộ chủ trì đã được bắt đầu triển khai ngay từ cuối năm 2019, tuy nhiên đến tháng 3/2020, khi đại dịch Covid 19 đã bắt đầu lan ra trên thế giới, bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN, Bộ đã nhanh chóng điều chỉnh, xây dựng thêm “Kế hoạch B”, trong đó điều chỉnh theo hướng lồng ghép, dãn hoặc lùi các hoạt động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện toàn bộ kế hoạch đã đề ra. 

Đến tháng 5/2020, khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn, thực hiện sự chỉ đạo chung của Chính phủ và của Ủy ban Quốc gia ASEAN, Bộ đã điều chỉnh kế hoạch chuyển các hoạt động sang hình thức trao đổi qua email, tổ chức các cuộc họp theo hình thức trực tuyến và trực tuyến kết hợp với trực tiếp trong nước.

Do chủ động và nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến nên Bộ đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch đặt ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm việc chủ trì tổ chức thành công 49 hội nghị, hội thảo và các cuộc họp cấp kỹ thuật theo kênh Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, trong đó đặc biệt là các Hội nghị cấp Bộ trưởng. 

Bao gồm Hội nghị Hội đồng Cộng đồng VHXH ASEAN lần thứ 23 và lần thứ 24 và các Hội nghị cấp quan chức liên quan; Hội nghị cấp cao của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Lao động - TB&XH cũng tham gia các Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Lao động Phúc lợi Xã hội và Phát triển ASEAN đặc biệt về Covid-19.

Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động – TB&XH, trong khuôn khổ kênh hợp tác của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Việt Nam đã trình lên và được Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 thông qua 2 văn kiện quan trọng là Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Công tác xã hội hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. 

Theo đó, đã ghi nhận 2 văn kiện là Lộ trình của Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Bản đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2025. 

Đây là những văn kiện quan trọng ghi dấu ấn Năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong kênh Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

Đảm nhiệm thành công Chủ tịch Cộng đồng VH-XH ASEAN là thành tích nổi bật trong công tác đối ngoại của Bộ LĐ-TB&XH  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức các cuộc họp trực tuyến về những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm ứng phó và giảm thiểu tác động của Covid 19 đối với lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em, gia đình, lao động di cư, người khuyết tật, người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội; 

Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, tăng cường nguồn lực và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Thực hiện tốt công tác đối ngoại theo các lĩnh vực, nhiệm vụ của Bộ, ngành  

Trong bối cảnh khó khăn và thách thức do đại dịch Covid 19 gây nên, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Bộ vẫn tiếp tục được thực hiện và đạt được kết quả ở mức cao nhất có thể.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động điều chỉnh hình thức, nội dung hợp tác để các hoạt động hợp tác đang triển khai không bị gián đoạn, đồng thời xây dựng các chương trình hợp tác mới. 

Tham gia sâu rộng hơn vào hợp tác khu vực như tham gia góp ý các văn kiện, hội nghị ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN; tham gia Dự án Xây dựng năng lực cho việc thực hiện Khung trình độ quốc gia và bảo đảm chất lượng GDNN cho nhóm nước Campuchia, Lào, Mianma, Việt Nam do Ban thư ký ASEAN chủ trì và do Hàn Quốc tài trợ.

Lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Trong bối cảnh dịch Covid 19, các đường bay quốc tế phần lớn dừng hoạt động, nhiều quốc gia tạm dừng nhận lao động nước ngoài, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo tổ chức vẫn đạt gần 79 ngàn người, chủ yếu tới các thị trường truyền thống như Nhật bản, Đài Loan, Hàn Quốc. 

Cũng trong bối cảnh Covid 19, Bộ vẫn tiếp tục trao đổi, đàm phán và ký các thỏa thuận với các đối tác để duy trì và phát triển thị trường như với tỉnh Miyagi và tỉnh Hokkaido của Nhật bản; với Hàn quốc về MOU tiếp tục thực hiện Chương trình EPS và thực hiện các hoạt động của Chương trình này trong năm 2020; với Thái lan về Thỏa thuận sửa đổi Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động năm 2017.

Trong công tác người có công, Bộ và tổ chức International WeLoveU Foundation đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2020­-2023 trong lĩnh vực hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với các hoạt động dự kiến: hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 

Hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất, trang thiết bị sinh hoạt cho người có công, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ các trung tâm nuôi dưỡng người già, ưu tiên các cơ sở người có công trực thuộc Bộ; chia sẻ kinh nghiệm và trao đối các cán bộ, y bác sĩ sang hoạt động tình nguyện tại các cơ sở người có công; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tạo việc làm cho con em người có công.

Lĩnh vực việc làm; Bảo hiểm xã hội; Quan hệ lao động và tiền lương; Lĩnh vực an toàn lao động; Lĩnh vực trẻ em; Bình đẳng giới; Trợ giúp xã hội và giảm nghèo... đều có những thúc đẩy và đóng góp tích cực vào nội dung các tài liệu, văn kiện và tham dự các cuộc họp kỹ thuật, hội nghị, hội thảo chuyên đề ASEAN...

Phát huy vai trò chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại của Bộ, ngành

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao sự đóng góp của Bộ LĐ-TBXH đặc biệt là của Vụ Hợp tác Quốc tế vào thành công của Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Bộ LĐ-TBXH đã hoàn thành xuất sắc ở 03 khía cạnh. Đó là: Điều phối chủ trì Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN, luôn dẫn đầu với năng lực chuyên môn và ngoại ngữ xuất sắc; Điều phối tốt trong nội bộ, gắn kết 15 Bộ, ngành cùng thực hiện nhiệm vụ chung; Thực hiện tốt vai trò và sứ mệnh của mình với kết quả rất tích cực và đáng khích lệ.

Đánh giá cao nỗ lực, sự chủ động và tích cực của Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị để Bộ có được những kết quả đáng khích lệ về công tác đối ngoại trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động và tích cực trong công tác đối ngoại của Bộ trong năm 2021 - Năm đầu tiên thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Vụ Hợp tác Quốc tế thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Thúc đẩy thực hiện Đề án 161 của Thứ tướng Chính phủ, đặc biệt là thúc đẩy và điều phối các sáng kiến khu vực mà Việt Nam đã đưa ra trong năm 2020; điều phối tốt hoạt động của Cộng đồng và kết nối, hỗ trợ Brunei thúc đẩy các ưu tiên đã đưa ra; 

Về hợp tác đa phương, song phương và phi chính phủ: Tiếp tục thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ giai đoạn thực hiện 2016-2020 với nguyên tắc tăng cường kết nối với ILO và các tổ chức Liên Hợp quốc để thực hiện các hoạt động liên quan của Bộ. 

Đặc biệt trong xây dựng luật pháp chính sách và các sáng kiến nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ; 

Thúc đẩy ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế của các đơn vị trong các lĩnh vực liên quan của Bộ. Hỗ trợ và khai thác tốt các thế mạnh của các đối tác để tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại, tránh lãng phí nguồn lực về con người và tài chính; Thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động đối ngoại, thông tin đối ngoại, nhân quyền…

Kiện toàn và rà soát việc thực hiện các quy chế đối ngoại của Bộ trong năm 2021 trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chung về đối ngoại và hợp tác quốc tế của quốc gia, vai trò và chức năng của các cơ quan liên quan, đảm bảo quản lý thống nhất và hiệu quả công tác đối ngoại của Bộ;

Thúc đẩy việc họp trực tuyến của ASEAN, một việc đã đề cập rất lâu nhưng bây giờ mới thực hiện được do bối cảnh COVID-19.

Thứ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác Quốc tế thực hiện nghiêm túc quy chế đối ngoại của Bộ, tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động đối ngoại chung của Bộ với nhận thức rõ rằng hợp tác quốc tế và đối ngoại là cầu nối với các vấn đề mới nổi hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách cho các đối tượng của Bộ; 

Là nguồn lực cả về kỹ thuật và tài chính giúp cho chúng ta ứng phó tốt hơn các thách thức của ngành, giúp Bộ có thể tiệm cận nhanh hơn các tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc gia và vai trò quản lý nhà nước của Bộ, ngành.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh