Đám cưới nhiều "không" ở Đại Yên
- Y học 360
- 15:50 - 10/09/2017
Phong trào cưới văn minh, tiết kiệm ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Anh Tuấn.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đại Yên Đặng Đình Khải cho biết, trong xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, địa phương đặc biệt quan tâm đẩy mạnh phong trào văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, coi đó là tiêu chí quan trọng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở Đại Yên cũng trở thành nội dung tiêu chuẩn thi đua đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tiêu chí xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa hằng năm...
Để phong trào lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, xã đã yêu cầu cán bộ, đảng viên đi đầu thực hiện tiết kiệm khi gia đình có việc cưới, việc tang. Nếu cá nhân nào vi phạm sẽ phải nghiêm túc kiểm điểm và bị phê bình trước nhân dân.
Bên cạnh đó, Đảng ủy xã đã giao Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Người cao tuổi làm nòng cốt để vận động nhân dân thực hiện quy chế tổ chức việc cưới theo nếp sống mới bằng các việc làm cụ thể: Không tảo hôn; không thách cưới phản cảm; không làm cỗ linh đình, không tổ chức liên hoan nhiều ngày; không mời thuốc lá, lợi dụng đánh cờ bạc, uống rượu say gây mất trật tự an toàn giao thông; không thuê “nhạc sống”, không trang trí rườm rà, lãng phí…
Trưởng thôn Yên Khê Tô Văn Luật cho biết, những ngày đầu thực hiện mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, nhiều người chưa đồng tình ủng hộ. Theo họ, việc cưới hỏi là một trong ba việc lớn của đời người nên phải tổ chức long trọng cho bằng bạn bè, xóm làng. Hơn nữa, đây là quyền tự do của mỗi gia đình, không nên áp đặt...
Vì vậy, nhiều gia đình nhân việc cưới hỏi đã làm cả trăm mâm cỗ, ăn uống trong hai, ba ngày, thuê “nhạc sống”, mở loa đài âm lượng lớn… gây phiền toái trong khu dân cư. Tuy nhiên, sau một thời gian kiên trì vận động, đến nay tư duy đổi mới, nhiều người nhận thức, đám cưới xa hoa không bảo đảm hạnh phúc vững bền mà ngược lại trở thành gánh nặng cho con cái, tạo khoảng cách, giảm tình đoàn kết xóm làng…
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các đoàn thể của thôn đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức đám cưới theo nếp sống mới; trong đó, đặc biệt chú trọng thay đổi nhận thức của các gia đình cán bộ, đảng viên… Bên cạnh đó, thôn tăng cường tuyên truyền trên đài truyền thanh, trong các cuộc họp đoàn thể và thường xuyên nhắc nhở những gia đình chưa thực hiện đúng quy chế của xã.
Sau tuyên truyền, vận động, thôn tổ chức họp nhân dân, đưa việc thực hiện cưới theo nếp sống mới vào quy ước xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; trong đó có quy định cụ thể về trình tự, nghi lễ cưới hỏi; khuyến khích nhân dân tổ chức đám cưới tại nhà văn hóa thôn…
Là người hưởng ứng đám cưới văn hóa, chị Phạm Thị Quyên ở thôn Nứa cho biết: “Được Đoàn Thanh niên tuyên truyền, tôi và bạn trai thống nhất trang trí hôn trường đơn giản, không thuê “nhạc sống”; đồng thời vận động hai gia đình chỉ mời họ hàng thân thiết dự liên hoan… Nhờ vậy, sau đám cưới, vợ chồng tôi không phải nợ nần, dành dụm được khoản tiền họ hàng mừng để đầu tư cho chăn nuôi, phát triển kinh tế…”.
Hiện nay, ở Đại Yên có 98% số đám cưới tổ chức từ 1 ngày đến 1,5 ngày, tự làm cỗ, không bày thuốc lá để tiếp khách, không sử dụng băng đĩa nhạc... So với trước đây, mỗi đám cưới hiện đã tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng. Nhiều cặp đôi thuộc diện gia đình khá giả, nhưng vẫn nhiệt tình hưởng ứng tổ chức đám cưới đơn giản, gọn nhẹ...
“Để mùa cưới thực sự trở thành mùa vui cho mỗi đôi uyên ương cũng như mỗi gia đình… thời gian tới, xã sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phê phán những biểu hiện xa hoa, lãng phí, không phù hợp với quy ước văn minh; khuyến khích nhân dân tổ chức đám cưới vào ngày nghỉ và tham gia đám cưới tập thể, tổ chức liên hoan tiệc ngọt…” - ông Đặng Đình Khải cho biết thêm.