Đảm bảo tính nhạy cảm giới trong ứng phó biến đổi khí hậu
- Y học 360
- 18:46 - 11/05/2021
Sự tham gia của phụ nữ còn nhiều hạn chế
Nhận định trên được bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam cho biết tại Lễ công bố báo cáo "Thực trạng lồng ghép giới trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam" được tổ chức mới đây nhằm hỗ trợ lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc gia.
Báo cáo mới này cung cấp các phân tích giới về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt trong các ngành nông nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải và năng lượng mà quốc gia ưu tiên. Nhiều chính sách khác nhau cũng được xem xét để xác định những cơ chế nào hiện đang tồn tại để tạo điều kiện cho việc lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và thực hiện chương trình.
Một trong những phát hiện chính của báo cáo là nam giới và phụ nữ có năng lực khác nhau trong tư cách là người sử dụng tài nguyên và đóng góp vào việc thực hiện các chính sách về khí hậu.
Trong ngành nông nghiệp, sự phân công lao động theo giới trong ngành và các trách nhiệm khác do phụ nữ đảm nhận do các chuẩn mực giới đã ngăn cản họ tham gia tích cực vào việc đưa ra các quyết định trong và ngoài hộ gia đình.
Trong ngành quản lý nước, nhiều chính sách quốc gia coi phụ nữ là một trong những nhóm dễ bị tác động và phần lớn vẫn coi phụ nữ là người thụ hưởng nên các chính sách hiếm khi tập trung vào phụ nữ như những nhân tố tiềm năng của sự thay đổi để bảo tồn tài nguyên nước;
Trong ngành quản lý chất thải, 90% người thu gom và nhặt phế liệu là phụ nữ, những người có công việc không được pháp luật hiện hành công nhận vì họ được coi là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức;
Trong ngành năng lượng, hầu hết các công việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và kỹ thuật được coi là chỉ phù hợp với nam giới theo truyền thống, do đó sự đóng góp của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn đáng kể.
Khuyến khích học sinh nữ đăng ký theo học các ngành liên quan tới khoa học môi trường và ứng phó với BĐKH. Ảnh KT
Xây dựng một xã hội có sức chống chịu với khí hậu
Nâng cao nhận thức và năng lực về các khía cạnh bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong thích ứng với BĐKH là cấp thiết cho tất cả các ngành, lĩnh vực. Vai trò lãnh đạo của phụ nữ cần được thúc đẩy ở cấp cao nhất của các Bộ, ngành giữ trọng trách ứng phó với BĐKH như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội LHPNVN. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH cần thu hút sự tham gia của các bên liên quan khác để xây dựng kế hoạch lồng ghép giới, xây dựng hướng dẫn rõ ràng nhằm giám sát và đánh giá các chương trình ứng phó với BĐKH thông qua lăng kính giới.
Kiến thức chuyên môn liên quan đến BĐKH cần được chuyển giao cho cán bộ của các cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề xã hội như cán bộ ngành LĐ-TB&XH nhằm đẩy mạnh vai trò của các cán bộ này trong quá trình hoạch định chính sách về BĐKH.
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, điều này yêu cầu sự quan tâm đặc biệt để tăng cường sự phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và tận dụng các phương tiện để truyền tải mối liên hệ giữa BĐKH và giới. Ngoài ra, cần lưu ý tới tầm quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo trong giáo dục học sinh, sinh viên về mối liên hệ giữa BĐKH và giới, đồng thời khuyến khích học sinh nữ đăng ký theo học các ngành liên quan tới khoa học môi trường và ứng phó với BĐKH.