CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội

Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương

Trình bày Tờ trình tóm tắt Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra đối với quản lý, sử dụng đất đai trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; phân bổ, huy động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực quốc gia; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh .

Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu: đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình tóm tắt Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình tóm tắt Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%.… kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế-xã hội, đảm bảo cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; đảm bảo cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn trong sử dụng đất

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hồ sơ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục hồ sơ theo quy định của Luật Quy hoạch, tuy nhiên, thời gian trình chưa bảo đảm quy định của pháp luật.

Đến cuối năm 2021, Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét, thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 là chậm so với yêu cầu thực tiễn. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay sau khi được Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia, để hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan.

Đối với chỉ tiêu cụ thể về đất rừng phòng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo phương án quy hoạch, trong 6 vùng kinh tế-xã hội có 2 vùng bị giảm diện tích đất rừng phòng hộ là Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Vùng Đông Nam Bộ, trong khi đây là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hằng năm, rất cần củng cố và mở rộng phát triển diện tích rừng phòng hộ. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ, có giải trình cụ thể nội dung này.

Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thời gian qua, tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên; do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp quản lý chặt chẽ đất rừng, nhất là rừng tự nhiên; đồng thời Chính phủ cần làm rõ thời gian qua đã có quy chế quản lý, xác định khu vực và công khai diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, kém chất lượng ở từng địa phương, từng vùng như thế nào để tránh tình trạng tùy tiện xác định rừng phòng hộ ít xung yếu để chuyển đổi sang rừng sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về đất trồng lúa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất). Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển đổi trở lại thành đất lúa.

Để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh