THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:04

Đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho trẻ em

 

Nhiều hành vi bị nghiêm cấm được đề ra trong luật: Tước đoạt quyền sống của trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn; không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại, hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em...

Luật quy định cụ thể các quyền của trẻ em, như quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, làm quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Luật trẻ em  (sửa đổi) bổ sung những quy định về quan điểm hạn chế tình trạng vị thành niên mang thai và chống nạo phá thai trên cơ sở tăng cường chăm sóc, giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho trẻ em. Theo đó, Ủy ban TVQH tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đã bổ sung quy định về việc Nhà nước bảo đảm “hỗ trợ” trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi; đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về việc “hỗ trợ” trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi tại khoản 2, Điều 84.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. 

ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh): Hoàn thiện hệ thống chính sách để Luật thực sự đi vào cuộc sống 

Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em (sửa đổi) với tỷ lệ khá cao. Trước đó, dự thảo Luật được chuẩn bị khá công phu, Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu QH, các cấp, ngành. Đặc biệt, Luật đã có cách tiếp cận mới về quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em rất rõ. Tất các cách tiếp cận này muốn thực hiện được thì phải có các điều kiện, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, của gia đình, nhà trường và xã hội, trong Luật cũng đã được quy định rất cụ thể. Do chúng ta rà soát kỹ và khá đầy đủ nên đối với nhóm trẻ em cần được quan tâm, kể cả trẻ em Việt Nam và trẻ em nước ngoài cư trú ở Việt Nam,  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã được đưa vào Luật để những đối tượng trẻ em này được quan tâm, chăm sóc và giáo dục ngày càng tốt hơn. Tôi cho rằng, việc thông qua Luật trẻ em (sửa đổi) góp phần ngăn chặn những hành vi bạo hành, xâm hại và buôn bán trẻ em mà báo chí đã phản ánh rất nhiều trong thời gian qua.

Chúng ta kỳ vọng rất nhiều khi Luật trẻ em (sửa đổi) được thông qua. Song,  dù quyền trẻ em đã được quy định rất cụ thể trong Luật, nhưng trẻ em không thể tự hưởng những quyền đó, mà cần có các điều kiện để thực hiện và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, vấn đề xã/ phường phù hợp với trẻ em gắn với nông thôn mới như thế nào, tất cả những cái đó muốn thực hiện tốt thì phải có hệ thống tham mưu tốt hơn.

Hiện nay, vấn đề quản lý nhà nước về trẻ em vẫn chưa đồng bộ, dù có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng ngành, nhưng để tham mưu một cách có hệ thống trong quản lý, trong chính sách thì chúng ta vẫn cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện để đồng bộ hơn. Do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách để Luật trẻ em (sửa đổi) thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hết những ý tưởng tốt đẹp mà chúng ta đã đưa vào Luật; cần có chiến lược tuyên truyền để Luật thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, bởi thực hiện tốt Luật chính là thể hiện sự quan tâm của các thế hệ hôm nay đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. 

ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long): Cần quan tâm hơn nữa nguồn lực cho công tác trẻ em 

Luật Trẻ em (sửa đổi) có nhiều điểm tiếp cận Công ước quốc tế về quyền trẻ em, phát huy vai trò của trẻ em hơn, phát huy vai trò chăm sóc, bảo vệ các em tốt hơn. Chúng ta có cơ quan đại diện cho tiếng nói nguyện vọng của các em. Rất nhiều biện pháp được bổ sung, hoặc thay đổi trong dự thảo Luật vừa được thông qua. Tôi tin, khi đi vào cuộc sống, Luật Trẻ em (sửa đổi) có thể chăm lo tốt hơn cho thế hệ trẻ, tương lai của đất nước ta.

Tư tưởng xuyên suốt trong Luật là nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền trẻ em theo tinh thần của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Quyền tham gia của trẻ em đã được quy định trong Công ước và cũng quy định trong Luật sửa đổi. Vấn đề quan trọng là, làm thế nào để trẻ em phát huy được quyền của mình?. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, cả những chế định mới như cơ quan đại diện cho tiếng nói của quyền trẻ em. Từ đó, tạo điều kiện cho cái tôi cá nhân của mỗi em, để các em có thể trình bày chính kiến, nguyện vọng của mình.

 Không chỉ Luật Trẻ em, mà tất cả những đạo luật của chúng ta khi sửa đổi đều mong muốn tiếp cận, gần hơn với cuộc sống, với yêu cầu thực tiễn thay đổi. Do vậy, bên cạnh sửa đổi Luật với nhiều điểm mới, tiến bộ, chúng ta phải quan tâm dành nguồn lực cho công tác trẻ em. Thí dụ, về con người, có thể hình thành nhân sự được phân công trách nhiệm cụ thể từ cấp cơ sở xã, phường trở lên làm công tác trẻ em. Chúng ta cũng phải dành những nguồn lực cần thiết để đưa Luật vào cuộc sống.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh