THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:09

Đảm bảo môi trường liêm chính ngay từ khi xây dựng chính sách

 

Siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách

Tại phiên thảo luận ngày 2/11,  nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những nhận định của Chính phủ được đề cập trong Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, tình hình nợ công, nợ xấu tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao, việc đầu tư sản xuất của doanh nghiệp nhà nước ở một số dự án chưa hiệu quả.

Phân tích thực trạng được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, vấn đề nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, quản lý, sử dụng tài sản công lãng phí là mối quan ngại của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội. Do vậy, đại biểu đề nghị năm 2017 siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công. Theo báo cáo Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thì dự báo năm 2017 phấn đấu tăng trưởng GDP là 6,7%. Theo đó, nợ công dự báo 64,8%, nợ Chính phủ dự báo là 53,3% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47,4%. Thế nhưng, Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt năm 2017 và cả giai đoạn năm 2016 - 2020 nợ công tương ứng là 6 năm, 5 năm và 50% là không đúng với quan điểm siết chặt nợ công và thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thảo luận về nợ công

 

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung quyết liệt hơn và chỉ đạo tập trung tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, sớm xây dựng hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý nhà nước về tài chính ngân sách, về đầu tư, khắc phục những lỗ hổng để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như tham gia hội nhập quốc tế.

Còn theo quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao. Đại biểu phân tích đầu năm 2016 nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%. Các động lực chính của tăng trưởng là đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, dịch bệnh thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu...
Đại biểu lo ngại rằng có rất nhiều thứ như kế hoạch thu/chi ngân sách, nợ công... sẽ được lập trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng GDP và nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ có hiệu ứng đominô đến những chỉ tiêu khác.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực. Chỉ khi chúng ta đạt được những mục tiêu có tính khả thi, đồng thời có các kịch bản xử lý tình huống kèm theo thì mới giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và ít bị tác động trước các cú sốc. Đây là điều tôi chưa thấy được trong cả hai bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Về cải thiện môi trường kinh doanh, các ý kiến cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020) và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có những bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng đến một bước ngoặt thực sự cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Việc thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi phối hợp triển khai, việc xây dựng chương trình hành động còn mang tính "đối phó," "qua loa" tập trung ở một số tỉnh, thành, cơ quan đơn vị...

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh và rà soát các quy định không còn phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi và sự phát triển của doanh nghiệp.

Đồng thời, theo đại biểu cần tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp; có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lắng nghe, thu thập thông tin phản hồi đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những khuyến nghị của doanh nghiệp...

Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) cũng  đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các địa phương có khu công nghiệp tham gia để giải quyết tốt vấn đề nhà ở, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội cho công nhân và một số vấn đề liên quan đến cuộc sống của nhân dân xung quanh khu công nghiệp. Tạo cho họ có điều kiện làm việc tốt hơn, tăng thêm môi trường đầu tư hấp dẫn, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn.

 

Đại biểu Trần Công Thuật đề cập đến vấn đề Formosa

 

Đảm bảo môi trường liêm chính ngay từ khi xây dựng chính sách

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng,  nói đến Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là nói đến phẩm hạnh, năng lực và vai trò kiến trúc sư của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đây là cơ hội để Chính phủ chuyển mình từ phương thức quản lý điều hành sang một Chính phủ tạo môi trường phát triển và lấy tinh thần phục vụ làm trọng.

Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, trước hết là liêm chính, kiến tạo, phát triển trong ban hành thể chế chính sách đồng bộ. Ngăn chặn lợi ích nhóm, lợi dụng chính sách, cục bộ chính sách, tham nhũng chính sách, đầu cơ chính sách; đảm bảo môi trường liêm chính cho cả hệ thống ngay từ khi khởi xướng xây dựng chính sách. Đồng thời, phải dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội. Khích lệ và tạo nguồn cảm hứng, sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài tham gia hiến kế xây dựng đất nước. Có các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh và ý thức thượng tôn pháp luật cho tất cả mọi người.

Đề cập đến việc xây dựng, củng cố bộ máy quản lý các cấp, ông Vân đề nghị rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước các cấp để phân cấp, phân công, phân quyền một cách mạch lạc gắn với cải cách hành chính. Trong đó chú trọng đến phân quyền về đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trước pháp luật.

“Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. Lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức để kiểm soát quyền lực, lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực, lấy thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực”, ĐB Vân nhấn mạnh.

Ông Vân cũng lưu đến việc tăng cường tính minh bạch, giải trình trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong quan hệ với nhân dân.Ngoài ra, ông cũng đề nghị có cơ chế đối thoại thường xuyên của người đứng đầu các cơ quan nhà nước các cấp với nhân dân để lắng nghe, thấu đạt đạt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhằm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời trong ban hành thể chế chính sách. Đồng thời, quản lý nhà nước bằng tinh thần phục vụ, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền.

 

 

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình): Ai đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ Formosa?

Hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng toàn diện, phạm vi rộng và nghiêm trọng đến sự sống của biển miền Trung đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân và an ninh trật tự xã hội. Đây là hành vi vi phạm Bộ luật hình sự nhưng trên thực tế đang xem xét ở mức vi phạm hành chính và bồi thường kinh tế. Lượng tiền 500 triệu USD mà Formosa bỏ ra để bồi thường được dựa trên thực tế hay dựa vào đàm phán, thỏa thuận. Nếu số tiền trên không đủ để đền bù cho dân thì ai sẽ bù đắp cho đủ hay người dân và địa phương tự khắc phục?

Đến nay chưa ai đứng ra để nhận trách nhiệm về vấn đề xả thải của Formosa. Hoặc chúng ta chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước đối với vấn đề Formosa, trong đó có 58 lỗi kỹ thuật, biểu hiện của sự gian dối. Những vấn đề Formosa nhất định phải làm rõ, minh bạch, nghiêm túc, hiện nay chúng ta không xem xét xử lý một cách rõ ràng thì ai sẽ trả lời và phán xét.

Cử tri và nhân dân muốn biết nếu nhà máy xả thải lỏng thì kiểm soát thế nào. Nếu chất thải rắn dạng khô thì xử lý thế nào, chôn lấp ở đâu, tất cả phải rõ ràng, có cơ sở khoa học và với tấm lòng chân thành và trách nhiệm cao của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, việc Formosa cam kết không tái phạm cũng cần phải làm rõ, tái phạm là như thế nào, ở mức độ nào. Vi phạm trong chôn lấp chất thải vừa rồi có được gọi là tái phạm không? 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh