THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:59

Đắk Nông hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19

Theo thống kê, tổng số đối tượng dự kiến được hỗ trợ 31.068 đối tượng thuộc các nhóm theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg, với tổng kinh phí hỗ trợ là 53,101 tỷ đồng.

Tổng số được phê duyệt là 28.261 người/hộ với tổng số tiền thực hiện 16.690.664.887 đồng, trong đó: Số tiền đã chi trả 15.334.764.887 đồng, số tiền đang làm thủ tục để chi trả 1.355.900.000 đồng. Dự kiến hoàn thành chi hỗ trợ đối với danh sách đã được phê duyệt có liên quan đến giãn cách xã hội sẽ thực hiện trước ngày 31/10/2021, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các nhóm còn lại theo lộ trình tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Kết quả triển khai chính sách cụ thể: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Đã hoàn thành thủ tục và thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp số tiền tạm tính hỗ trợ giảm mức đóng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến 6/2022) cho 938 đơn vị, tương ứng 11.079 lao động với tổng số tiền hơn 3.435 triệu đồng.

Trong tháng 7 - 10, đã giảm thu đối với 956 đơn vị với tổng số 11.203 người lao động, với tổng tiền 1.149.991.000 đồng. Dự kiến từ nay đến hết năm 2021, toàn tỉnh sẽ chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động gần 2.000 lao động, gồm: Chấm dứt hợp đồng lao động 901 lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động 160 lao động, nghỉ việc không hưởng lương 848 lao động, ngừng việc 43 lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 460 người với tổng tiền hỗ trợ là 1.302.756.000 đồng. Các huyện, thành phố đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiếp tục phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ theo quy định.

Hỗ trợ người lao động ngừng việc: Đã phê duyệt danh sách 69 người lao động ngừng việc với dự kiến kinh phí hỗ trợ là 90.000.000 đồng; đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ, hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sở đã ban hành văn bản triển khai đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người lao động trực tiếp tại trụ sở làm việc và trực tuyến trên Cổng dịch vụ hành chính công.

Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): UBND tỉnh đã ban hành Quyết định Số 1261/QĐ-UBND ngày 18/08/2021 về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo quy định tại điểm 12, Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, dự kiến tổng số 14.852 đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), dự kiến kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 22,278 tỷ đồng. Đến thời điểm báo cáo, UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 3.368 người với tổng kinh phí là 5,052 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, số còn lại đang thực hiện chi theo theo quy định.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình phát biểu tại buổi làm việc

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình phát biểu tại buổi làm việc

Tổ chức rà soát tình hình lao động đi làm việc ngoại tỉnh trở về địa phương: Cần sớm nắm thông tin về tình hình việc làm của số lao động trở về để có giải pháp hỗ trợ về việc làm cho số lao động này, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng số lao động này vào làm việc vì đây là những lao động có chuyên môn, đã quen với tác phong làm việc công nghiệp nên có được thông tin từ những lao động này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc định hướng phát triển thị trường lao động của tỉnh trong thời gian tới.

Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Sau khi được quay trở lại hoạt động cả doanh nghiệp, người lao động đều sẽ gặp nhiều khó khăn do những tác động to lớn từ đại dịch Covid-19 để lại, do vậy cần thiết phải thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động bình thường, thu hút lao động vào làm việc, xem xét để ban hành các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động một cách thiết thực, kịp thời như: Hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động, hỗ trợ nhà ở, đi lại để người lao động thuận tiện trong việc quay trở lại làm việc.

Tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm: Sau khi được trở lại hoạt động, cả doanh nghiệp và người lao động đều có nhu cầu tuyển dụng, tìm kiếm việc làm. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm để doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ, trao đổi về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tìm việc.

Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, hiện tỉnh vẫn đang thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Tuy nhiên, Nghị quyết 126 vừa ban hành, sửa đổi bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 68, từ đó phát sinh vướng mắc về khái niệm “lao động tự do” và “hộ kinh doanh”. Cụ thể, theo tinh thần Nghị quyết 68, một số đối tượng được xác định là lao động tự do nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Thế nhưng, cũng là những đối tượng đó, theo tinh thần Nghị quyết 126, họ lại là hộ kinh doanh và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ. Từ đó, phát sinh vấn đề đối tượng đó được hưởng hỗ trợ theo nghị quyết nào. Vì vậy, địa phương kiến nghị cần làm rõ thế nào là lao động tự do.

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi làm việc

Lãnh đạo Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông phát biểu tại buổi làm việc

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, tiến độ triển khai các nghị quyết của Trung ương tại tỉnh Đắk Nông vẫn còn chậm. Đắk Nông không phải tâm dịch, số lượng người lao động và người sử dụng lao động chịu tác động của dịch Covid-19 ít hơn so với các địa phương khác nhưng đến nay số lượng đối tượng được nhận hỗ trợ vẫn thấp. Sở sẽ đôn đốc các địa phương làm việc khẩn trương, rà soát, thống kê để có số liệu chính xác nhất.

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, Chính phủ và các cơ quan trung ương họp bàn rất nhiều, chỉ mong chính sách sớm đến tay người lao động. Tuy nhiên, tại tỉnh Đắk Nông, các chính sách đều triển khai nhưng chỉ có chi trả bảo hiểm thất nghiệp là nhanh, còn lại phần lớn vẫn chưa tiếp cận được tiền thực sự. 

"Không thể đưa chính sách ra và đợi hồ sơ đến, như vậy là thiếu xung kích, thiếu năng động. Tôi nhận thấy, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đang đơn độc trong quá trình triển khai các nghị quyết”, ông Bình đưa ra quan điểm.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác cho rằng, tỉnh Đắk Nông vẫn còn chậm khi đưa các nghị quyết, chính sách hỗ trợ tới tay người khó khăn. Trong thời gian tới, hệ thống chính trị, ngành chức năng cần vào cuộc thực sự mạnh mẽ hơn nữa, bởi nếu triển khai chính sách chậm, qua thời điểm khó khăn mới hỗ trợ thì không còn ý nghĩa.

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh