Đắk Lắk: Xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
- Tây Y
- 16:49 - 17/11/2019
Theo Báo Đắk Lắk đưa tin, tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan.
Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Thành ủy Buôn Ma Thuột.
Báo cáo với Bộ Chính trị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung và một số quy hoạch ngành. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, từ một đô thị loại II, Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển tích cực và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh năm 2010.
Quy mô kinh tế thành phố được mở rộng, kinh tế tăng trưởng khá cao và ổn định, bình quân giai đoạn 2010 - 2018 đạt 9,38%; thu ngân sách giai đoạn 2010 - 2018 đạt 10.094 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng thu của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng; ngành nông - lâm nghiệp đã sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn, gắn với công nghiệp chế biến sâu và thị trường.Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Các chương trình - dự án mục tiêu quốc gia về y tế được thực hiện tốt, khoa học công nghệ phát triển đạt kết quả khá, tỷ trọng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 40 - 60%. Cải cách hành chính có nhiều đột phá, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; quốc phòng – an ninh được giữ vững
Góp ý vào Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 60, các đồng chí trong Bộ Chính trị khẳng định, Buôn Ma Thuột đã thực hiện nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, đạt nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với lợi thế về vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, nhưng sau 10 năm thực hiện Kết luận 60, Buôn Ma Thuột vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của Tây Nguyên, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho toàn vùng cũng như trở thành "một cực phát triển" trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học công nghệ.
Đưa tin sự kiện quan trọng này, Báo Công an thành phố Đà Nẵng viết: Sau khi nghe lãnh đạo Ban Kinh tế TƯ báo cáo về những nội dung cơ bản của hai Đề án tổng kết, Văn phòng TƯ Đảng báo cáo tổng hợp ý kiến các cơ quan liên quan và ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Chính trị cơ bản tán thành những nội dung đã nêu tại Tờ trình và hai Báo cáo tổng kết. Với mục tiêu đến năm 2030, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị, cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên và tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Kết luận về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk triển khai nghiêm túc và có hiệu quả Kết luận, phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm sớm đưa Kết luận vào cuộc sống.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kết luận 60 về xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, giúp cho kinh tế - xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột phát triển đúng hướng, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa phát huy được giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa trong xây dựng và phát triển đô thị.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030 Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc, Thủ tướng cho rằng tỉnh Đắk Lắk cũng như thành phố Buôn Ma Thuột phải tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông, công nghệ thông tin. Bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, chính quyền địa phương cần chú trọng thu hút đầu tư tư nhân; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số để phát triển đô thị thông minh; quan tâm đặc biệt đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển… Trên cơ sở những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Kết luận 60 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư sẽ tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các bộ, ngành, báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để tiếp tục có những chủ trương phù hợp về xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong thời kỳ mới.