THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:47

Đắk Lắk quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em

Đắk Lắk quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em - Ảnh 1.

Ông Phạm Phượng, Phó GĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk

Xin ông cho biết tình trạng đuối nước và tai nạn thương tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Năm 2016 có trên 1.400 trẻ em bị tai nạn, thương tích, có 121 trẻ em tử vong, trong đó có 64 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Năm 2017, có khoảng 1.300 trẻ em bị tai nạn, thương tích, có 109 trẻ em tử vong, trong đó 50 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Năm 2018, có khoảng 1.200 trẻ em bị tai nạn, thương tích, có 102 trẻ em tử vong, trong đó, 60 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Năm 2019, có khoảng 1.100 trẻ em bị tai nạn, thương tích, có 96 trẻ em tử vong, trong đó, 59 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Năm 2020, toàn tỉnh có 579 trẻ em bị tai nạn thương tích, có 89 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 73 em tử vong do tai nạn đuối nước. Từ đầu năm 2021 đến ngày 27/5/2021, toàn tỉnh có 33 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước.

Đắk Lắk quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em - Ảnh 2.

Lễ phát động phòng chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Đắk Lắk

Theo ông, đâu là nguyên nhân của các vụ tai nạn đuối nước thương tâm?

Qua phân tích cho thấy, đa số các vụ đuối nước đều xảy ra vào những quãng thời gian giao thoa cuối năm học, đầu mùa hè; sau thi học kỳ 2 và gần tết nguyên đán. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, thiếu giám sát, bảo vệ trẻ. Trẻ em vui chơi tự do, thiếu sự bảo vệ an toàn nên khi xảy ra tai nạn đuối nước được ứng cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh phải giãn cách xã hội tại một số thời điểm tại một số địa phương nên học sinh phải nghỉ học, khu vui chơi cho trẻ em cũng bị hạn chế tập trung đông người, trẻ em đang ở độ tuổi hiếu động tự tụ tập tại những địa điểm vui chơi theo sở thích trong đó có nơi ao, hồ, sông suối… hoặc theo cha mẹ đi nương, rẫy, thiếu sự giám sát của người lớn. Thực tế cho thấy, đa số trẻ em bị đuối nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không được tiếp cận với việc dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước…

Ngoài ra, Đắk Lắk có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm một tỷ lệ khá lớn (42%) và nằm rải rác đều khắp, số đập nước, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông trường, các hộ gia đình trồng cà phê tương đối lớn. Đặc điểm chung của các hồ, đập đa số đều sâu, lòng chảo, trong lúc đó hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm hầu như không được chú trọng. Mặt khác, một số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước giếng đào hoặc bể chứa nước nhưng thường không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn.

Đắk Lắk quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em - Ảnh 3.

Dạy bơi cho trẻ em.

Để giảm thiểu tình trạng đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là trong mùa hè, ngành LĐTBXH tỉnh đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Trong những năm qua, Sở LĐTBXH Đắk Lắk đã rất quyết liệt triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, kiến thức về phòng chống tai nạn đuối nước nói riêng cho trẻ em. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2402/QĐ-UBND, ngày 17/8/2016 về kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch liên ngành số 02/KHLN-SLĐTBXH-SYT-SGDĐT-SGTVT-SVHTTDL-CA-ĐTN-HLHPN-HND ngày 14/11/2018 về phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018 – 2020, giữa các cơ quan liên quan.

Mỗi năm có ít nhất 2 văn bản chỉ đạo vào trước dịp hè và nghỉ tết nguyên đán. Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở LĐTBXH cũng đã ban hành 02 Công văn chỉ đạo công tác này. Đồng thời mời chuyên gia từ thành phố Hồ Chí Mình nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống cho trẻ em, trong đó có phòng, chống tai nạn đuối nước. Hiện tại, Sở đang triển khai thực hiện Mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại 4 huyện Cư Kui, Ea Sup, M'Đắk và Cư M'gar.

Sở LĐTBXH cũng đang thực hiện Dự án triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em thực hiện tại 8 xã Cư Bông, Cư Huê, Cư Ni, Cư Prông, Ea Kmut, Ea Pal, Ea Sô, Ea Đar thuộc huyện Ea Kar. Năm 2020 thực hiện tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em trên 8 trạm truyền thanh xã của 8 xã thuộc dự án (1.344 lượt); In ấn tờ rơi: 11.000 tờ; Phát thông điệp về phòng, chống đuối nước trẻ em trên đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: 7 lần x 15 phút/lần; tập huấn cho 800 cha mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi, giáo viên mầm non về các biện pháp phòng, chống đuối nước nhằm hạn chế các nguy cơ gây đuối nước trẻ em; Tổ chức 96 lớp với 1920 em tham gia; Tập huấn kiến thức an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại địa bàn dự án: tổ chức 16 lớp cho 800 em. Trong năm 2021, Sở sẽ tiếp tục triển khai Dự án tại 8 xã cũ của huyện Ea Kar và mở rộng thêm 03 xã, thị trấn ở huyện Cư M'gar.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thảo Vân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh