Đắk Lắk: Người trồng hoa mừng và lo vụ hoa Tết
- Y học 360
- 17:17 - 27/12/2019
Đến vườn anh Nguyễn Mậu Lộc (ở đường Võ Thị Sáu, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột) bên vườn hoa cúc đang đơm nụ, Anh vui mừng nói: Nếu thời tiết cứ se lạnh, không mưa, nhiệt độ ổn định ở mức trên 20 oC thì vườn hoa cúc sẽ nở bông đẹp, đúng dịp Tết Nguyên đán. Hơn 20 năm trồng hoa bán Tết, anh Nguyễn Mậu Lộc hiểu rõ thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Đặc biệt, cúc là loại cây nắng không ưa, mưa không chịu, nắng quá thì xấu bông, mưa quá cây bị úng nước, dập, phát triển èo uột, còn thời tiết "đỏng đảnh" nóng lạnh thất thường thì sâu bệnh phát sinh nhiều. Do đó, trước khi xuống giống, anh Nguyễn Mậu Lộc đã tính toán kỹ thời gian trồng, xử lý mầm bệnh và theo dõi sát diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó. Từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 trời hay mưa dầm nên cây cúc dễ bị bệnh, nhất là bệnh nấm cóc (nhiều đốm trắng xuất hiện dưới mặt lá). Nếu giàn lá bị sần sùi thì chậu cúc mất giá bởi cúc không chỉ cần hoa đẹp mà bộ lá phải sum suê, xanh tươi, đều từ gốc đến ngọn.
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, anh Nguyễn Mậu Lộc vẫn túc trực tại vườn vì lúc cây đơm nụ là thời điểm quyết định thắng lợi của vụ hoa Tết. Ngoài yếu tố thời tiết, anh Nguyễn Mậu Lộc còn thắp bóng đèn điện để đều chỉnh cúc nở hoa đều đúng Tết. Năm trước, anh Lộc trồng hơn 500 chậu cúc bán được giá, vụ này tăng lên 1.500 chậu. Nghề trồng cúc lấy công làm lời nên mọi công việc đúc chậu, trồng, chăm sóc, bón phân... anh đều tự làm.
Thời tiết se lạnh khá thuận lợi cho hoa cúc phát triển nhưng lại ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và ra nụ của cây mai khiến người trồng mai lo lắng. Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ vựa mai ở thôn 8 (xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột) cho biết: Năm nay các đợt không khí lạnh tràn về sớm hơn năm trước cả chục ngày. Thời tiết lạnh sâu kèm theo gió khiến cây mai khó đơm nụ và nở không đều. Hơn 20 năm làm nghề trồng hoa mai, ông Nguyễn Văn Vinh từng thất thu vài vụ vì mai nở muộn. Lần gần nhất cách đây 5 năm, vườn mai 200 chậu của ông chỉ nở được một nửa, số còn lại qua Tết mới nở. Nguyên nhân là do thời tiết quá lạnh, mai khép nụ, không đơm hoa, mãi khi nắng lên mới chịu đâm chồi nảy lộc thì quá muộn, công sức chăm sóc suốt một năm trời của ông coi như bỏ.
Từ đó trở đi, ông Nguyễn Văn Vinh luôn nghiên cứu rất kỹ quy luật của thời tiết và nhận ra, các đợt không khí lạnh tràn về sớm thường theo chu kỳ 5 năm lặp lại một lần. Năm nay, quy luật này lặp lại nên ông đã có cách tăng tốc độ cho mai bung nụ đúng Tết như: Lảy lá mai sớm, không tưới nước lạnh, chỉ tưới nước ấm cho cây mai... Anh Nguyễn Văn Hưng (thôn 8, xã Hòa Thắng), cháu ruột ông Nguyễn Văn Vinh tâm sự: Gia đình anh từng theo nghề trồng mai nhưng do thời tiết bất lợi, thị trường tiêu thụ biến động nên nghỉ. Giáp Tết, anh sang phụ bác Nguyễn Văn Vinh tuốt lá, chăm sóc mai. Để hoa mai nở đều, anh phải tuốt lá đồng loạt trong 1-2 ngày.
Anh Nguyễn Văn Hưng cũng lên phương án dự phòng, trong 10 ngày tới thời tiết vẫn lạnh kèm sương mù và không có ánh nắng sẽ làm mái che cho cây, tránh để hoa mai "ngủ" lâu quên Tết.