CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:29

Đắk Lắk khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo đó tình hình mưa lũ vừa qua đã làm 2 người chết ở huyện M’Đrắk. Về sản xuất, trên địa bàn huyện M’Đrắk có 20 ha tiêu bị ngập úng, 59 ha ao nuôi thủy sản bị ảnh hưởng.

Trên địa bàn huyện Krông Bông có 292 ha cây trồng bị ngập nặng, trong đó có 23 ha lúa nước mới gieo sạ, 36 ha ngô và 233 ha sắn. Trên địa bàn huyện Lắk có 138 ha, trong đó 9 ha lúa, 109 ha ngô và hoa màu các loại, 20 ha cà-phê bị ngập.

Trên tuyến đường thôn Ea Bar, xã Cư Pui đi qua xã Cư Drăm bị gián đoạn vì cầu bị ngập nước với chiều dài tuyến là 8m, sâu 1m. Tuyến đường từ thôn Cư Tê, xã Cư Pui đi vào thôn Ea Rớt bị gián đoạn do 2 điểm bị ngập, đường vào thôn Êa Hăn, xã Cư Drăm bị ngập sâu 60cm, chiều dài ngập 50m, đường vào thôn Ea Lueh, xã Cư Drăm bị ngập sâu khoảng 0,5m, người dân không đi lại được, tuyến đường đi thôn Cư Dhắh bị sạt lở với chiều dài 25m.

Đối với đường các quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, trên Tỉnh lộ 3 tại vị trí ngầm tràn Km 12+800 khu vực xã Phú Xuân, huyện Krông Năng bị ngập sâu khoảng 40cm. Tỉnh lộ 10 đoạn Km 0+550 - Km 0+900 bị nước ngập, chiều sâu khoảng 15-22cm.

Trên Tỉnh lộ 12 tại khu vực Km 25+670 khu vực xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông bị sạt lở ta-luy âm phía bờ sông Krông Bông dài 10m, sâu khoảng 6-7m, cách mép mặt đường nhựa 2m. Trên Tỉnh lộ 13 tại các vị trí ngầm tràn trên địa bàn huyện M’Đrắk tại Km 6+900 xã Krông Jing, Km 12+010 xã Ea Lai đi xã Cư Prao, Km 18+430 xã Cư Prao, Km 30+300, Km 31+290, Km 31+980, Km 34+311, Km 35+259 và Km 35+782 xã Cư Prao nước chảy trên mặt tràn, chiều sâu ngập khoảng từ 1 đến 1,5m, nước chảy xiết, nhiều ngầm tràn ngập sâu phải tạm ngưng lưu thông…

Với cở sở hạ tầng, Trạm kiểm lâm số 5 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar nằm tại ngã 3 sông Krông H’Năng và Ea Pich bị nước ngập khoảng 1m. Các ngành chức năng đã kịp thời sơ tán cán bộ kiểm lâm khỏi trạm, một số tài sản bị nước cuốn trôi.

Cầu Thống Nhất hay còn gọi là cầu C10 đoạn qua thôn 2A xã Ea Ô, huyện Ea Kar nằm trên tuyến đường huyện ĐH07.1 từ xã Ea Ô đi xã Cư Bông và Cư Yang, bắc qua sông Krông Pắk bị sạt lở hai bên bờ sông, đặc biệt, phần mố M2 bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt hoàn toàn giao thông khiến các phương tiện qua lại phải đi đường tránh xa hơn khoảng 25 km.

Cống qua đường liên thôn tại Tổ dân phố 8, 12, thị trấn Ea Knốp, đường giao thông liên thôn tại thôn Quảng Cư 1A xã Cư Ni, huyện Ea Kar bị sạt lở đoạn đường dài 15m, làm cô lập 64 hộ dân của thôn Hạ Long, xã Cư Prông.

Cống dân sinh thôn 3 đi đồi 87, xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk nằm trên trục đường đi vào khu sản xuất nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn xã Ea Riêng và một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ea Lai bị xói lở, đứt gãy khoảng 6m chiều dài đường, cuốn trôi cụm cống thoát nước loại cống đôi D100. Hiện nay, người dân phải bắc cầu tạm bằng gỗ để đi lại.

Hồ đội 3 thôn 4, xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk bị sạt lở phần mái hạ lưu, vết sạt rộng khoảng 3m, sâu khoảng 3m, hiện nay địa phương đã cắm biển cảnh báo, cử người túc trực, đã thực hiện hạ cao độ đáy tràn 40cm để hạ mực nước hồ nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du.

Bên cạnh đó, một số ngầm tràn, cầu, tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện M’Đrắk bị ngập nặng gây chia cắt giao thông. Cụ thể, một số ngầm trên Tỉnh lộ 13 bị ngập tại thôn 6, thôn 4, 5, thôn 2, 3, buôn Năng, xã Cư Prao, thôn 8, xã Ea Lai, tại Km 73 Quốc lộ 26 đoạn qua địa bàn huyện M’Đrắk bị ngập sâu gần 0,5m. Cầu dân sinh tại thôn 10, xã Ea H’Mlay bị cuốn trôi, cầu thôn 4 đoạn từ Quốc lộ 19C đi thôn 4, cách Quốc lộ 19C khoảng 3 km thuộc địa bàn xã Ea M’Doal bị xói lở, nứt gây mất an toàn.

Sở Giao thông vận tại tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến đường phối hợp chính quyền địa phương bảo đảm giao thông trên tuyến, tổ chức trực, cảnh giới, bố trí cảnh báo, rào chắn, hướng dẫn giao thông nhằm bảo đảm giao thông trên tuyến…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hết mưa, các địa phương đang tiếp tục triển khai phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và vận động nhân dân nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Đối với 2 hộ dân có người chết do mưa lũ, chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ một phần kinh phí để gia đình lo mai táng.

Để chủ động đối phó với diễn biến sau mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các vùng trũng bị ngập lụt nặng, tăng cường thông tin tuyên truyền giúp nhân dân nắm bắt kịp thời để ứng phó mưa lũ, chủ động triển khai phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra...

LN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh