THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:02

Đắk Lắk: Giáo viên mất việc gửi tâm thư lên Thủ tướng

Viết tâm thư gửi Thủ tướng

Ngày 20/9/2018, hàng trăm giáo viên hợp đồng các trường ở huyện Krông Pắk cùng nhau gửi bức tâm thư tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước việc bị chấm dứt hợp đồng lao động sau nhiều năm gắn bó với trường, lớp.

Giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Vụ Bổn - anh Đỗ Quý Thắng trải lòng, cả 2 vợ chồng anh đều là giáo viên hợp đồng gần 10 năm nay và sẽ bị mất việc trong ít ngày tới. Sau khi nhận được thông báo chính thức từ trường, vợ anh đã gạt nước mắt cai sữa con mới 16 tháng tuổi để vào TP HCM làm công nhân, mình anh ở nhà chăm sóc 2 con nhỏ. “Nhiều năm gần đây vợ chồng tôi chỉ nhận mức lương rất thấp nhưng vẫn cố gắng bám trụ mong có ngày vào biên chế nhưng giờ mọi ước mơ đã xa vời. UBND huyện Krông Pắk đã kiên quyết chấm dứt hợp đồng lao động và không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào, đã đẩy hơn 500 con người vào cảnh cơ cực, khốn khó. Cực chẳng đã, chúng tôi mới viết bức “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ xin bác xem xét có hướng giải quyết nhân văn hơn cho 500 con người, gia đình chúng tôi”.

Qua 3 đời chủ tịch huyện Krông Pắk từ năm 2010 - 2016 đã ký dôi dư hơn 578 giáo viên. Kết quả rà soát của UBND huyện Krông Pắk, trong số giáo viên dôi dư này có 370 trường hợp có vị trí tuyển dụng, 208 trường hợp không có vị trí tuyển dụng, trong khi đó, biên chế sử dụng của huyện chỉ còn 83 chỉ tiêu.

Hàng trăm giáo viên thống nhất viết tâm thư gửi Thủ tướng

Trước tình trạng này ngày 9/3/2018, UBND huyện Krông Pắk đã có thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng đối với 208 giáo viên không có vị trí tuyển dụng. Số giáo viên còn lại sẽ được thi tuyển để chọn 83 chỉ tiêu. Tuy nhiên, tại kỳ thi tuyển viên chức ngày 22/4/2018, chỉ có 28 giáo viên trúng tuyển.

Sự việc gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều nên sau khi có thông báo chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên dôi dư, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc này, tìm hướng xử lý phù hợp.

Sau khi đưa ra nhiều phương án, trong đó có cả việc sẽ trích ngân sách để hỗ trợ các giáo viên sau khi bị thôi việc, vào tháng 8 vừa qua, UBND huyện Krông Pắk yêu cầu các trường thực hiện việc chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên dôi dư chậm nhất đến 30/8/2018. Sau đó, thời hạn này được lùi lại đến ngày 30/10/2018.

Nhiều tháng qua, kể từ khi UBND huyện Krông Pắk thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên dôi dư, hàng trăm giáo viên nằm trong diện này hết sức hoang mang, lo lắng. Khi đứng trước tình cảnh không thể cứu vãn, các giáo viên viết "tâm thư" mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý sự việc.

Tâm thư gửi mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý sự việc 

Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết, các trường đã thông báo cho các giáo viên hợp đồng về việc chấm dứt hợp đồng lao động và sẽ hoàn thành việc này trước 30/10/2018. Đối với khoảng 70 giáo viên đang mang thai và nuôi con nhỏ, các hiệu trưởng sẽ có trách nhiệm theo dõi và thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động khi con của các giáo viên đủ 12 tháng.

Trước đây huyện và các ngành đề xuất có khoản hỗ trợ cho giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động và đề án đào tạo chuyển đổi ngành nghề để giảm bớt khó khăn cho giáo viên, bà Trinh cho biết là không thể thực hiện được. Theo bà Trinh, trước đây Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk có đề xuất phương án sẽ hỗ trợ cho các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động với tổng kinh phí khoảng 7-8 tỉ đồng. Tuy nhiên, phương án này không được chấp nhận vì không đảm bảo theo quy định. Theo đó, hiện nay huyện đang thực hiện đề án chấm dứt hợp đồng tổng kinh phí khoảng 1 tỉ đồng từ nguồn ngân sách huyện, chủ yếu để chi trả các khoản lương phụ cấp mà trước đây các trường không có kinh phí trả đủ theo quy định. Bên cạnh đó, việc đào tạo chuyển đổi ngành nghề cũng không thực hiện được do đây là dạng hợp đồng có thời hạn chứ chưa phải là biên chế.

Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra tình trạng dôi dư giáo viên bà Trinh cho biết, huyện vừa xem xét, xử lý kỷ luật gần 100 hiệu trưởng các trường và các phòng ban chuyên môn. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các hiệu trưởng có hình thức kỷ luật khác nhau, trừ một số ít trường hợp nhà trường thực sự thiếu giáo viên.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh