THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:58

Công an tỉnh Đắk Lắk vào cuộc vụ giáo viên tố “chi tiền" để vào biên chế

Nhiều giáo viên tố phải chi tiền mới được ký hợp đồng biên chế (ảnh Báo Lao Động)

 

Trả lời Tiền Phong trưa 14/3, đại tá Nguyễn Duy Trường - Trưởng Công an huyện Ea Kar, xác nhận: Vào ngày 9/3 vừa qua, trực ban đơn vị có tiếp nhận đơn của ông Ng.V.M tố cáo ông H.B (Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Trong đơn của ông này có kèm theo giấy vay tiền và hẹn đến ngày trả của ông B., nhưng không ghi rõ nội dung nhận tiền để chạy việc. Vì vậy, chúng tôi thấy đây là giao dịch mang tính dân sự vay mượn tiền nên đã hướng dẫn ông M. làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Krông Pắk để được giải quyết”, đại tá Trường cho hay.

Nội dung đơn thư của ông Ng.V.M. cho thấy, năm 2016, ông M. đã gặp ông B. để xin cho con gái đi dạy. Lúc này ông B. nói nhà trường còn một suất biên chế nhưng phải chi 140 triệu đồng.

Tin lời, ông Minh đã đưa ông cho ông B. tổng cộng 120 triệu đồng. Sau khi đưa tiền, con gái ông M. được trường THCS Ngô Mây nhận vào dạy hợp đồng với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Do con không được vào biên chế như “thỏa thuận”, ông M. đòi lại tiền nhưng ông B. không trả.

Trên Báo Lao Động, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi – Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận, Công an tỉnh đang vào cuộc thu thập tài liệu, xác minh làm rõ thông tin giáo viên phải “chi tiền” mới được ký hợp đồng tại huyện Krông Pắk.

Về việc này, bà Ngô Thị Minh Trinh -  Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) khẳng định, hiện huyện chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực.

"Chúng tôi không khẳng định có hay không, nhưng đến nay huyện chưa nhận được bất cứ phản ánh hay đơn thư tố cáo tiêu cực trong vụ việc này. Nếu phát hiện có tiêu cực, nhất định chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan chức năng điều tra xử lý những cá nhân tập thể vi phạm"- bà Trinh nói.

Trước đó, như thông tin đã phản ánh, UBND huyện Krông Pắk (trong cả ba nhiệm kỳ từ 2005 - 2020) đã ồ ạt ký hợp đồng với hàng trăm giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, dẫn đến dư thừa trầm trọng. Đến nay, toàn huyện có 605 giáo viên và nhân viên hợp đồng, trong khi biên chế chưa sử dụng chỉ còn 84 chỉ tiêu nên sắp tới sau khi thi tuyển biên chế sẽ dư thừa hơn 500 người.

Ngày 9/3, UBND huyện Krông Pắk đã mời 200 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện dự tuyển biên chế hoặc không có vị trí việc làm phù hợp lên thông báo chấm dứt hợp đồng. Hơn 400 giáo viên, nhân viên hợp đồng còn lại, sau khi thi tuyển lấy 84 người vào biên chế, huyện cũng sẽ chấm dứt hợp đồng đối với những người không trúng tuyển. Do vậy hàng trăm giáo viên đã bức xúc kéo lên trụ sở UBND huyện phản đối.

Liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 - 2015, hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk. Riêng ông Y Suôn Byă - Chủ tịch huyện Krông Pắk, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm.

TƯỜNG LÂM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh