Đắk Lắk được hỗ trợ nguồn lực, trang tiết bị để phòng, chống dịch Covid-19
- Y học 360
- 09:09 - 09/11/2021
Chiều ngày 8/11, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến 16 giờ ngày này, trên địa bàn tỉnh phát hiện 287 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 127 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh lên 5.337 trường hợp.
Tại thành phố Buôn Ma Thuột, địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk hiện nay, từ ngày 6 đến ngày 8/11, qua tổ chức test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại 16/21 xã, phường có nguy cơ cao đã ghi nhận 183 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện một số xã, phường vẫn đang tiếp tục xét nghiệm sàng lọc, thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 10/11.
Với số ca bệnh tăng nhanh và dự báo còn diễn biến phức tạp, bên cạnh huy động các lực lượng, nguồn lực tại chỗ để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố hỗ trợ các nguồn lực cho tỉnh để phòng, chống dịch Covid-19.
Trước sự đề nghị của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày qua Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai đã cử các đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk phòng, chống dịch, đồng thời một số tỉnh, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ các trang thiết bị vật tư y tế cho tỉnh Đắk Lắk phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đoàn công tác của tỉnh Bình Dương do đồng chí Phạm Văn Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chia sẻ những kinh nghiệm về phòng, chống dịch Covid-19 và trao tặng tỉnh Đắk Lắk 3 tỷ đồng, 2.000 giường xếp và một số trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Khánh Hòa do đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk gồm 4 máy thở, 100.000 bộ kit test nhanh kháng nguyên, 4.000 khẩu trang N95, 1.000 chai nước sát khuẩn... với tổng trị giá khoảng 600 triệu đồng để phục vụ công tác phòng,chống dịch.
Công ty cổ phần ô-tô THACO Trường Hải hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk 5 xe tiêm chủng vaccine lưu động để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, mỗi xe trị giá hơn 850 triệu đồng.
Quỹ từ thiện Hằng Hữu và Công ty cổ phần Đại Nam hỗ trợ một trạm sản xuất oxy y tế công suất 8.000 lít/ngày, 600 bình chứa oxy các loại, 150.000 đôi găng tay y tế Đại Nam Glove và 50.000 khẩu trang cho ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk phòng, chống dịch...
Ngoài ra, trong ngày này, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cũng đã tổ chức lễ tiếp nhận xe cứu thương và các trang thiết bị vật tư y tế do các đơn vị, doanh nghiệp trao tặng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Với sự nỗ lực của các tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ, tiếp sức tích cực của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố cùng các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hy vọng tỉnh Đắk Lắk sẽ sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch Covid-19 để chuyển sinh hoạt, sản xuất sang trạng thái bình thường mới.
Để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đang có mặt tại Đắk Lắk để chuyển giao kỹ thuật ECMO và hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hoàn thiện trung tâm hồi sức cấp cứu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Kỹ thuật ECMO là kỹ thuật cao đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Kỹ thuật này có ý nghĩa then chốt, quyết định đem lại cuộc sống cho những người tưởng chừng không còn khả năng cứu chữa.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, trong đợt công tác này, đoàn sẽ nỗ lực chuyển giao kỹ thuật này cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên,.“Đoàn công tác cũng nỗ lực hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xây dựng, hoàn thiện đơn vị điều trị hồi sức. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo hỗ trợ nhân lực, rà soát, củng cố kiến thức, kỹ năng theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ y, bác sĩ tại địa phương, cố gắng cùng các y, bác sĩ ở đây xây dựng các đơn vị hồi sức, các đơn vị điều trị đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 một cách tốt nhất cho Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đối với việc điều trị bệnh nhân nặng, nhân lực và trang thiết bị y tế, máy móc vô cùng quan trọng. Khi nâng công suất điều trị lên 590 giường, nhân lực phục vụ thu dung, điều trị sẽ thiếu hụt, nhất là nhân lực phục vụ hồi sức tích cực và phải huy động sự hỗ trợ của các đơn vị khác. Bệnh viện hiện chỉ có gần 20 bác sĩ hồi sức tích cực, do đó bệnh viện đang đào tạo nhân lực tại chỗ, huy động bác sĩ nội, ngoại, sản, nhi… tham gia bồi dưỡng hồi sức tích cực để đáp ứng khả năng điều trị bệnh nhân nặng, nhất là khi số ca bệnh tăng nhanh. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân nặng cũng thiếu, Bệnh viện đang chờ sự hỗ trợ của Sở Y tế, Bộ Y tế cũng như các tỉnh, thành khác và các bệnh viện tuyến Trung ương. Các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ thu dung, điều trị đang được Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, trước tình hình số ca bệnh tăng nhanh và dự báo còn diễn biến phức tạp, bên cạnh huy động các lực lượng, nguồn lực tại chỗ để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân, ngành y tế đã kiến nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, hỗ trợ Đắk Lắk nhân lực, thuốc, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để phục vụ chống dịch trong giai đoạn này.
Để hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk chống dịch, Bộ Y tế quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ do Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Tổ trưởng, hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk chống dịch từ ngày 8/11.