Đắk Lắk: Dịch bạch hầu diễn biến phức tạp
- Y học 360
- 18:04 - 11/10/2020
Theo bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên vào đầu tháng 7, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện khoanh vùng dập dịch, phong tỏa khu vực bệnh nhân sinh sống, triển khai phun hóa chất khử trùng, điều tra dịch tễ, cho người dân uống thuốc kháng sinh dự phòng, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân tại những địa phương có ổ dịch, có trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân để cùng với ngành y tế ứng phó, phòng chống dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thống kê từ đầu tháng 7 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 48 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận nhiều nhất là tại huyện Krông Bông với 17 trường hợp, huyện M'Đrắk 12 trường hợp, huyện Cư M'gar và Lắk mỗi huyện tám trường hợp, huyện Cư Kuin hai trường hợp và TP Buôn Ma Thuột một trường hợp.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bạch hầu là tiêm vaccine phòng bệnh. Thực hiện Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm chủng 3,8 triệu liều vaccine phòng bạch hầu cho người dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đến nay, công tác tiêm vaccine đã và đang được triển khai tại 13 xã có dịch với gần 200.000 liều và đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêm vaccine tăng đột biến, các nhà sản xuất vaccine chưa cung ứng đủ số lượng, cùng với đó là nguồn lực để tổ chức triển khai tiêm cũng chưa sẵn sàng nên việc tiêm vaccine bạch hầu được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Trước mắt là ưu tiên tập trung tiêm tại 13 xã có dịch, tiếp đến là triển khai tại các huyện có nhiều trường hợp mắc bệnh như Krông Bông và M'Đrắk, Cư M'gar, Lắk…
Mặc dù công tác phòng, chống dịch bạch hầu ở Đắk Lắk đã được triển khai quyết liệt, nhưng hiện nay dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được ngăn chặn mà tiếp tục diễn biến phức tạp và các bệnh nhân mắc bệnh tiếp tục gia tăng.
Ông Trịnh Quang Trí, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính từ đầu tháng 10/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Cụ thể, 1 bệnh nhân (10 tuổi) ở xã Đắk Nuê, 1 bệnh nhân (16 tuổi) ở xã Nam Ka (cùng H.Lắk) và 1 bệnh nhân (14 tuổi) ở xã Cư San (H.M'Đrắk).
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, trung tâm y tế các huyện trên đã khẩn trương khoanh vùng, xử lý ổ dịch, lập chốt cách ly khu vực dân cư có trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ các trường hợp mắc bệnh, lập danh sách người tiếp xúc gần, phun hóa chất khử khuẩn bề mặt tại gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận...
Trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp để phòng, chống dịch hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo mọi người dân cần thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, phơi quần áo, chăn màn dưới ánh nắng mặt trời để diệt vi khuẩn… đồng thời thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, người dân cần thực hiện đầy đủ lịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Bệnh bạch hầu ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc, tuy nhiên những trường hợp bệnh nặng và có nhiều biến chứng thường tập trung chủ yếu ở trẻ em. Người dân có con dưới một tuổi hãy đưa con đến các trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với các đối tượng lớn hơn hoặc người chưa từng được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì tiêm vaccine có hai thành phần là bạch hầu - uốn ván (Td) và phải tiêm đủ liều hai mũi tiêm mới phòng bệnh hiệu quả.
Tác dụng của vaccine bạch hầu và giải độc tố uốn ván (DT) là gì? Vắc-xin bạch hầu và giải độc tố uốn ván (DT) thuộc nhóm thuốc dị ứng và hệ miễn dịch, phân nhóm vắc-xin, kháng huyết thanh và thuốc miễn dịch. Thuốc được dùng tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tuần đến 7 tuổi để phòng bệnh bạch hầu, uốn ván.
Vaccine bạch hầu và giải độc tố uốn ván (DT) hoạt động bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể giúp sản sinh các kháng thể chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, giúp cơ thể của bệnh nhân chống lại nhiễm trùng.