THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:04

Đắk Lắk: Dân khổ vì đường hư hỏng nặng

 

Tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Ea Lê, huyện Ea SúpTỉnh lộ 1, đoạn qua xã Ea Lê, huyện Ea Súp.

Nắng bụi, mưa lầy

Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đi theo tỉnh lộ 1 hơn 70 km về huyện Ea Súp đường nhựa khá bằng phẳng. Nhưng từ ngã ba Chư M’lanh đến các xã Ea Lê, Ea Rốk, Ea Bung, Ea Tờ Mốt, Ja Lơi… đường sá rất tệ. Mặt đường bị cày sụt lún, lồi lõm tạo thành những hố sâu kéo dài hàng chục cây số rất nguy hiểm cho người đi đường. Mùa nắng, đường bụi mù mịt. Mùa mưa đường như “bể chứa”, ai cũng phải chấp nhận “bơi” qua.

Ea Súp là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk, giao thông cách trở khiến dân tình càng khốn khó hơn. Vụ thu hoạch cận kề, ngoài nỗi lo mất mùa, nông dân nơm nớp lo chuyện tiêu thụ nông sản. Ông Trần Thống nhà ở thôn 1, xã Ea Lê cho biết: “Dân ở đây chủ yếu trồng lúa, bắp, mì. Những ngày nắng, thương lái trên phố đánh xe tải vào tận từng nhà thu mua, được giá hơn. Ngày mưa, nông sản bán sang tay các mối buôn nhỏ, bị ép bán rẻ nông dân vẫn phải chịu vì cần tiền trả nợ, mua phân giống, đầu tư cho vụ tiếp theo”.

Dù hằng năm, nhà nước đều tiến hành duy tu, bảo dưỡng đường sá nhưng mức đầu tư vá víu khiến mặt đường ngày càng biến dạng thêm. Dân chúng nhiều nơi tự cứu bằng cách góp tiền mua đất, đá sỏi san lấp các hố sâu nhưng vẫn không ăn thua. 

Ông Nguyễn Đình Toản phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cho biết: Chính quyền nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về việc đường sá hư hỏng, ảnh hưởng đến đi lại, vận chuyển tiêu thụ nông sản, con em đến trường khó khăn vất vả. Huyện cũng rất nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên tỉnh và ra cả trung ương. UBND huyện đã nhận được quyết định đầu tư 80 tỷ làm đường từ ngã ba Chư M’lanh đến đoạn cầu sắt Ea Súp, nhưng còn phải chờ tỉnh bố trí được nguồn vốn.

Không riêng đường tỉnh lộ 1 về Ea Súp, mà các tuyến tỉnh lộ 2, 3, 13, 15… và một số tuyến đường liên huyện, liên xã khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng bắt đầu hư hỏng.

Cản bước tiến nông thôn

Tính đến cuối năm 2015, xã Nâm N’Jang huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành 14/15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Trong khi xã đang cố gắng hoàn thành các tiêu chí còn lại để sớm tiến về đích, thì tuyến đường liên xã từ Nâm N’Jang đi Đắk N’Drung dài hơn 6 cây số lại bị xuống cấp trầm trọng.

 

Đắk Lắk: Dân khổ vì đường hư hỏng nặng - ảnh 1Đường liên xã Nâm N’Jang.

Đến xã Nâm N’Jang, không khó để bắt gặp những ngôi nhà khang trang hai bên đường cửa đóng, then cài. Thấy chúng tôi ghé thăm, ông Nguyễn Thành Trung vớ khăn lau bàn ghế trước khi mời khách vào nhà. Ông kể: Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, 4 năm nay các hộ dân hai bên đường tự nguyện giải tỏa đất, nhà để mở rộng đường. Riêng gia đình ông tự tiền thuê xe múc xe ủi cho đường bằng phẳng thế nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai đoái hoài đến chuyện làm đường.
Bà Nguyễn Thị Hữu tiếp lời: Ngày nắng bụi bay tứ mù, các cụ già và trẻ nhỏ thường bị viêm phế quản, ho, viêm mũi,… do hít nhiều bụi bẩn. Trời mưa, đường trở nên sình lầy khiến người đi đường ngã liên tục. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, đến đường quần áo lấm lem. Chúng tôi chỉ mong chính quyền sớm làm đường cho dân bớt khổ.

Ông Phạm Quang Nam phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết: Xã Nâm N’Jang là xã vùng cao, được tỉnh Đắk Nông chọn là 1 trong 8 xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch năm 2016, xã được tỉnh phân bổ 1 tỉ đồng làm 1 km cho trục đường chính này, nhưng gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí đầu tư hạn chế.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh